Bảo đảm tính bao trùm
Luật Giáo dục mầm non nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Chính phủ trong việc quản lý và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, với trọng tâm là các cơ sở công lập nhằm bảo đảm tính bao trùm. Cách tiếp cận thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc bảo đảm mọi trẻ em, không phân biệt điều kiện kinh tế hay vị trí địa lý, đều có quyền tiếp cận giáo dục mầm non chất lượng.
Bà Hong Xiumin, Viện trưởng Viện Giáo dục mầm non thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, khẳng định luật sẽ hỗ trợ việc cung cấp giáo dục công bằng và chất lượng cho mọi trẻ em, tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện thông qua các tiêu chuẩn chất lượng cao và nâng cao năng lực đào tạo giáo viên.
Một yếu tố cốt lõi của luật mới là thiết lập hệ thống dịch vụ công về giáo dục mầm non bao phủ cả khu vực thành thị và nông thôn, ưu tiên phân bổ đồng đều và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng. Luật yêu cầu chính quyền địa phương phân bổ nguồn lực cho giáo dục mầm non, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và kém phát triển, nhằm thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao từ sớm, giúp trẻ em tại đây được hưởng cơ hội bình đẳng trong giáo dục.
Thúc đẩy tiến bộ vùng miền và thu hẹp khoảng cách
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE) cho thấy, nước này đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc mở rộng tỷ lệ trẻ em tham gia học mầm non. Tính đến năm 2023, khoảng 40,93 triệu trẻ em đã được ghi danh theo học tại các trường mẫu giáo trên toàn quốc, chiếm 91,1% tổng số trẻ em trong độ tuổi mầm non. Đây là thành tựu đáng kể, minh chứng cho cam kết của Trung Quốc trong việc phổ cập giáo dục mầm non.
Bộ Giáo dục cho biết, khoảng cách về giáo dục giữa các khu vực cũng đang được thu hẹp. Theo thống kê từ Bộ, từ năm 2013 đến năm 2023, tỷ lệ nhập học mẫu giáo ở 17 khu vực cấp tỉnh - chủ yếu ở các vùng miền trung và miền tây kém phát triển của Trung Quốc - đã tăng hơn 20 điểm phần trăm. Các khu vực này vốn thiếu thốn nguồn lực giáo dục, nhưng nay có những cải thiện rõ rệt, cho thấy hiệu quả của các chính sách tập trung và nguồn đầu tư từ nhà nước trong việc tạo ra sự cân bằng giáo dục trên toàn quốc.
Giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình
Một quy định đáng chú ý khác của luật là khuyến khích chính quyền địa phương triển khai giáo dục mầm non miễn phí ở những nơi có điều kiện phù hợp. Chính sách này nhằm giảm gánh nặng chi phí giáo dục và chăm sóc trẻ em, vốn là vấn đề lớn đối với nhiều hộ dân. Bà Liang Huijuan, Trưởng phòng giáo dục mầm non thuộc Đại học Sư phạm Thiên Tân, cho biết quy định này phù hợp với chiến lược phát triển chất lượng dân số của Trung Quốc, mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình và thúc đẩy ổn định xã hội lâu dài.
Chú trọng yếu tố an toàn và sức khỏe tinh thần
Với mối quan ngại ngày càng tăng về an toàn của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, luật mới yêu cầu áp dụng các biện pháp an toàn toàn diện và cơ chế ứng phó khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em trong thời gian học mẫu giáo. Các trường học cần thực hiện các biện pháp y tế chặt chẽ và nâng cao quản lý an toàn tổng thể. Bà Guo, một phụ huynh tại tỉnh Hà Bắc, bày tỏ sự đồng tình về các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em tại trường mẫu giáo được nêu rõ trong luật, chia sẻ rằng những quy định này "mang lại sự yên tâm lớn hơn cho các bậc phụ huynh".
Khi xã hội và dân số Trung Quốc tiếp tục thay đổi, luật mới đánh dấu bước đi chủ động nhằm đầu tư vào thế hệ trẻ và lực lượng lao động tương lai của đất nước. Việc tập trung vào cơ hội giáo dục mầm non bình đẳng phản ánh nhận thức rằng giáo dục từ sớm là nền tảng cho sự phát triển tương lai, học tập suốt đời và cơ hội tiến lên trong xã hội.
Với những quy định mang tính định hướng mạnh mẽ cùng đầu tư công đáng kể, luật mới cho thấy cam kết nghiêm túc của Trung Quốc trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện, bình đẳng và chất lượng cho mọi trẻ em. Bằng cách giải quyết các vấn đề về chi phí, chất lượng, an toàn và khả năng tiếp cận, Trung Quốc đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn mới cho giáo dục mầm non cả về mặt chính sách và thực tiễn, với tiềm năng tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của trẻ và công bằng xã hội trong những năm tới.