Từ “việc nhẹ lương cao” đến “mua thận giá cao”
Năm 2020, Hoa Kỳ công bố Báo cáo về tình hình tội phạm mua bán người, trong đó cảnh báo các đối tượng tăng cường tuyển mộ và dụ dỗ trẻ em Thái Lan thực hiện các hành vi tình dục để sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm đăng trên internet; đồng thời sử dụng chính các sản phẩm này để dọa nạt, ép buộc các em thực hiện hành vi khiêu dâm.
Tháng 6.2023, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phát cảnh báo về tình trạng hàng nghìn người bị lừa tới các hang ổ phạm tội qua hình thức mời chào "việc nhẹ lương cao". Chẳng hạn, một nạn nhân kể lại vào năm 2021, anh được mời làm tiếp thị cho một công ty giao đồ ăn nổi tiếng ở Campuchia với mức lương rất hấp dẫn là 1.000 USD/tháng; anh này phấn khích đến mức nói chuyện và rủ anh trai mình cùng tham gia, cả hai không hề biết rằng đó chỉ là những lời đề nghị giả mạo. Và không giống như vô số người bị buôn bán trước đó bị buộc phải hành nghề mại dâm hoặc lao động cho các trang trại, hai anh em cuối cùng lại làm một nghề mới dành cho nạn nhân buôn người: tham gia vào các vụ lừa đảo tài chính để lừa đảo mọi người trên toàn cầu.
Rất nhiều nạn nhân tại Thái Lan và các nước khác trong khu vực cũng bị lừa tương tự. Các quảng cáo việc làm giả mạo đã thu hút họ làm việc tại Campuchia, Lào và Myanmar. Các nạn nhân sau đó bị ép buộc lừa gạt mọi người trên khắp thế giới. Nếu chống cự, họ sẽ bị đánh đập, không cho ăn hoặc bị điện giật. Một số nhảy từ ban công xuống để trốn thoát. Những người khác chấp nhận số phận của họ và trở thành người tham gia tội phạm mạng được trả tiền.
Gần đây, các đối tượng mua bán người sử dụng thủ đoạn “mua thận giá cao” để lừa người muốn bán thận vượt biên trái phép trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram… đối tượng phạm tội hứa hẹn “mua thận với giá hàng nghìn USD”, thủ tục đơn giản. Với chiêu trò này bọn chúng đã lừa được rất nhiều người gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Sau đó bọn chúng lừa nạn nhân qua cửa khẩu, bán cho các công ty, cơ sở cờ bạc, lừa đảo trực tuyến và bị ép buộc, cưỡng bức lao động.
Đây là những thách thức mới đối với các cơ quan thực thi pháp luật Thái Lan, đòi hỏi các cơ quan này phải tăng cường nâng cao năng lực về công nghệ để đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người sử dụng công nghệ.
Vướng mắc về quyền riêng tư trong điều tra, thu thập thông tin
Trong bối cảnh các đối tượng phạm tội có xu hướng sử dụng công nghệ hiện đại như điện thoại, tin nhắn, các nền tảng mạng xã hội để trao đổi thông tin về các địa điểm và tiến hành các thủ đoạn lừa đảo. Tiến bộ về công nghệ khiến quá trình thông tin liên lạc của các nhóm tội phạm này ngày càng thuận tiện. Mặt khác, nhờ công nghệ hiện đại, đối tượng mua bán người có thể dễ dàng tẩu thoát và xóa thông tin sau khi đã hoàn thành hành vi phạm tội. Việc thu thập thông tin về đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ này sẽ rất hữu ích cho việc lập kế hoạch trấn áp tội phạm.
Tuy nhiên, hầu hết chứng cứ điện tử là thông tin cá nhân, được bảo vệ trong quy định về quyền riêng tư của Bộ luật Hình sự. Nếu chỉ dựa trên quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì không có đủ cơ sở pháp lý cho việc thu thập các chứng cứ điện tử.
Mở rộng quyền của cơ quan chức năng
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Đạo luật PCMBN đã mở rộng phạm vi thông tin mà các cơ quan thực thi pháp luật được phép thu thập, cũng như các biện pháp đặc biệt mà các cơ quan thực thi pháp luật được phép áp dụng để thu thập tài liệu và thông tin.
Cụ thể, Điều 30 Đạo luật PCMBN quy định: trong trường hợp có cơ sở hợp lý để tin rằng có bất kỳ tài liệu hoặc thông tin nào khác được gửi qua đường bưu điện, điện tín, điện thoại, fax, máy tính, thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện điện tử hoặc phương tiện công nghệ thông tin, đã được sử dụng hoặc có thể đã được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội mua bán người, thì cán bộ có thẩm quyền, với sự chấp thuận bằng văn bản của Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Cục trưởng Cục Điều tra đặc biệt (thuộc Bộ Tư pháp), hoặc Tỉnh trưởng có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án Hình sự hoặc Tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền ra lệnh cho phép người có thẩm quyền được tiếp cận tài liệu hoặc thông tin đó.
Khi xem xét cho phép thu thập thông tin hoặc tài liệu, Tòa án phải cân nhắc ảnh hưởng đối với các quyền cá nhân hoặc bất kỳ quyền nào khác dựa trên các căn cứ sau đây: (1) Có cơ sở hợp lý để tin rằng hành vi phạm tội mua bán người đã được thực hiện hoặc sắp được thực hiện; (2) Có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tiếp cận thông tin sẽ dẫn đến việc thu thập được thông tin về hành vi phạm tội mua bán người; (3) Không có phương pháp nào khác phù hợp hoặc hiệu quả hơn.
Lệnh cho phép tiếp cận thông tin do Tòa án ban hành có thời hạn không quá 90 ngày. Người có liên quan đến tài liệu hoặc thông tin nêu trong lệnh có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Sau khi lệnh được ban hành, nếu xét thấy căn cứ về sự cần thiết phải tiếp cận tài liệu hoặc thông tin không đúng như đã nêu trong đơn yêu cầu hoặc tình hình đã thay đổi, Tòa án có quyền điều chỉnh lệnh.
Trong quá trình thi hành lệnh của Tòa án, cán bộ có thẩm quyền có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ bất cứ người nào để thực hiện nhiệm vụ.
Cán bộ có thẩm quyền phải lập biên bản chi tiết trình Tòa án ra lệnh cho phép thu thập tài liệu hoặc thông tin ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.