ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam): Cần nghiên cứu xây dựng Luật về tình trạng khẩn cấp
Có thể khẳng định, công tác chống dịch Covid-19 đã được Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, đúng trọng tâm, trong đó có việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV (Nghị quyết số 30). Sáng kiến lập pháp này thể hiện tư duy, trí tuệ, sự linh hoạt, nhạy bén ứng phó kịp thời tình huống cấp bách chưa từng có tiền lệ; tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương quyết định thực hiện các biện pháp đặc biệt để phòng, chống Covid-19 bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho người dân, được nhân dân hoan nghênh, tích cực hưởng ứng.
Tuy nhiên, quá trình thực thi Nghị quyết 30 còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, đáng lưu ý, các lực lượng tuyến đầu phải làm việc trong môi trường áp lực cao, cường độ lớn trong thời gian dài, suy giảm về sức khỏe và tinh thần, trong khi đó, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng chưa kịp thời, chưa tương xứng. Một số đối tượng được huy động tham gia phòng, chống dịch trong điều kiện "nước sôi lửa bỏng" nhưng không được hưởng chế độ phụ cấp phòng, chống dịch, như: lực lượng tham gia các điểm chốt chặn tại các đường mòn, lối mở của địa phương (không phải ở tuyến biên giới); các tổ giám sát cộng đồng, các tình nguyện viên, lực lượng cán bộ y tế gián tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Giám đốc Trung tâm y tế điều hành trực tiếp công tác phòng, chống dịch; bộ phận làm công tác hậu cần tổ chức hành chính, tài chính kế toán…).
Từ thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, nghiên cứu ban hành Luật về tình trạng khẩn cấp, trong đó quy định thẩm quyền Chính phủ, các cơ quan, địa phương trong xử lý các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai... nhằm tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước những tình huống khẩn cấp khách quan. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu có giải pháp tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, cắt bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh hậu Covid-19.
Cần sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện; quan tâm tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống y tế ở cơ sở. Có phương án xử lý đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn tồn dư so với nhu cầu, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện.
Khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, nhất là về thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh Covid-19; quan tâm, ưu tiên giải quyết dứt điểm các chế độ, chính sách liên quan đến lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An): Hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng
Trước hết, tôi cho rằng Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng, góp phần kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên cả nước, đưa đất nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.
Các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai một cách toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình dịch bệnh và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược về phòng, chống dịch. Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã chủ động đồng hành, giải quyết kịp thời các đề xuất của Chính phủ và tổ chức giám sát, phản ánh nguyện vọng, kiến nghị của cử tri. Quốc hội đã ban hành nhiều quy định tại 6 nghị quyết của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết.
Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, dám nghĩ, dám làm và áp dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các chính sách phòng, chống dịch bệnh quy định tại Nghị quyết số 30; đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chỉ thị, công điện... thành lập các tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương phòng, chống dịch bệnh thích ứng với tình hình; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình hiệu quả.
Về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành đối với thuốc, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm; áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; thành lập và hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh Covid-19 cũng như công tác bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế khác và lực lượng tuyến đầu chống dịch… đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực như báo cáo của Chính phủ.
Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc sáng 5.1 vừa qua, thì đến nay, Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã chính thức hết hiệu lực thi hành từ ngày 31.12.2022.
Tuy nhiên, để có sự đánh giá toàn diện hơn các kết quả đạt được, Chính phủ cần phân tích làm rõ về tồn tại, hạn chế khi thực hiện từng cơ chế, chính sách cụ thể và nguyên nhân để làm căn cứ cho đề xuất, kiến nghị. Đặc biệt là bổ sung thông tin, đánh giá rõ kết quả thực hiện công tác tổ chức cách ly tập trung, tình trạng lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung do không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất…
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội): Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh
Với việc áp dụng các cơ chế “đặc biệt, đặc cách, đặc thù” theo Nghị quyết 30/2021/QH15, Chính phủ và Bộ Y tế đã chủ động ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có 7 nghị quyết đặc thù để triển khai việc mua vaccine cho chiến lược tiêm chủng quốc gia. Hiệu quả của vaccine trong công tác phòng, chống dịch rất tốt. Một trong những thành công của TP. Hà Nội trong phòng, chống dịch cũng chính là vaccine.
Tuy nhiên, những nghị quyết liên quan đến việc mua vaccine mới chỉ giải quyết được những vướng mắc của Trung ương mà chưa giải quyết được những khó khăn trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Tại các địa phương khi mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư vẫn thực hiện theo những quy định chung như Luật Đấu thầu, mà chưa có những quy định cụ thể để hướng dẫn thực hiện biện pháp đặc cách, đặc thù như Nghị quyết 30 của Quốc hội.
Hơn nữa, trong điều kiện thời gian gấp rút, khẩn cấp nên các địa phương chưa kịp đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai các giải pháp “quyết liệt, linh hoạt” trong phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, trong văn bản của Chính phủ cũng như Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn để địa phương giải quyết được những khó khăn mang tính đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch và mua sắm. Do vậy Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có hướng dẫn cụ thể để giúp các địa phương giải quyết vấn đề này. Cũng như các vướng mắc khác như: việc đặt hàng, xét nghiệm Covid-19; xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ như kit test, máy móc, trang thiết bị để phòng, chống dịch.