Cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho biết, năm 2020, các chỉ tiêu về công tác y tế tại tỉnh đều đạt và vượt, trong đó tỷ lệ % xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 92,6/92; tỷ lệ % trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc (90/90); số giường bệnh trên 10.000 dân (34,9/34,4) và số bác sỹ/1 vạn dân (10/8,5); Hiện 90,5% người dân trên địa bàn tham gia BHYT.
Tình hình dịch bệnh tại Nghệ An cơ bản đã được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch và không có tử vong do dịch bệnh trên địa bàn. Về dịch Covid-19, hiện tỉnh chưa có bệnh nhân Covid-19 nào; đến nay, tỉnh đã cách ly trên 75.000 người; xét nghiệm trên 42.000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ông Dương Đình Chỉnh cũng cho biết, chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện. Tại các đơn vị tuyến tỉnh, công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng; nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả… Ngành y tế Nghệ An đã xây dựng được phác đồ điều trị 4 chuyên ngành nội, ngoại, sản, nhi… Hiện có 3/10 bệnh viện đã được Bộ Y tế thẩm định thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa Hữu Nghị Nghệ An đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối, tuyến chuyên môn thực hiện các kỹ thuật cao nhất trong hệ thống khám, chữa bệnh.
Ngành y tế Nghệ An đã thực hiện cơ chế tự chủ 100% các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong toàn tỉnh; 19 đơn vị y tế đã thực hiện tự chủ nhóm 1 và 2, còn lại thực hiện cơ chế tự chủ nhóm 3 và nhóm 4. Mỗi năm tiết kiệm được từ giảm chi thường xuyên 295 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ ca bệnh Covid-19 có thể xuất hiện trong cộng đồng rất lớn do Nghệ An có địa bàn rộng, phức tạp, người dân có xu hướng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tình trạng người nhập cảnh trái phép còn diễn ra.
Tại buổi làm việc, ngành y tế Nghệ An cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế thẩm định chuyên ngành ung thư của Nghệ An được công nhận là tuyến cuối trong điều trị; chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cao cho các bệnh viện tỉnh, bệnh viện tuyến cuối, để TP Vinh sớm trở thành “Trung tâm Y tế khu vực Bắc Trung bộ”.
Chủ động ứng phó với dịch bệnh
Đánh giá cao sự phát triển của hệ thống khám chữa bệnh của Nghệ An, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, mạng lưới khám chữa bệnh của Nghệ An hoàn chỉnh, đặc biệt là y tế ngoài công lập phát triển là điểm sáng của cả nước. Bộ Y tế sẽ tiếp tục yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao kỹ thuật, tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.
"Về đề xuất Bệnh viện Ung bướu Nghệ An được Bộ Y tế công nhận là Bệnh viện tuyến cuối, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo Bộ và sẽ cùng các giáo sư, chuyên gia đầu ngành xem xét, thẩm định để Bộ Y tế có thể công nhận Bệnh viện trở thành cơ sở y tế tuyến cuối của khu vực Bắc Trung Bộ” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị ngành y tế Nghệ An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong toàn ngành, triển khai thực hiện hồ sơ sức khoẻ cá nhân, đặt lịch hẹn khám chữa bệnh…
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng TS Đặng Quang Tấn lưu ý tỉnh Nghệ An tiếp tục tinh thần cảnh giác, quản lý chặt người nhập cảnh; đồng thời chú trọng quản lý bệnh không lây nhiễm và các dịch bệnh khác. Về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, Nghệ An được phân bổ 18.500 liều, do đó, tỉnh triển khai tiêm theo kế hoạch, theo đúng đối tượng.
Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, theo xu hướng càng phát triển thì bệnh không lây nhiễm càng gia tăng, do đó tỉnh cũng cần có chiến lược “ứng phó” với những dịch bệnh này. Đồng thời, Thứ trưởng cũng thông tin về việc tới đây sẽ tiếp tục có những lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho các tỉnh theo đề án 585, tỉnh phối hợp chặt chẽ với Dự án 585 để cử bác sĩ trẻ phù hợp theo học.
Toàn diện trong khám, chữa bệnh và dự phòng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều tiến triển, có những con số vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương như số giường bệnh, số bác sĩ trên vạn dân.
“Để làm được điều này, phải kể tới sự quan tâm đầu tư và quá trình nỗ lực của toàn thể các cấp, các ngành của Nghệ An đối với hệ thống y tế. Tuy nhiên, cần có sự quy hoạch lại tổng thể mạng lưới y tế Nghệ An để bảo đảm phù hợp và không thiên lệch giữa các vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về những kiến nghị của tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và yêu cầu các Vụ/Cục chức năng liên quan của Bộ Y tế cùng tỉnh trao đổi, tháo gỡ, thống nhất để làm sao cùng với tỉnh phấn đấu đưa ngành y tế Nghệ An phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Nghệ An đều nhấn mạnh, cần phải xây dựng Nghệ An phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu của Bắc Trung Bộ.
“Chúng tôi cho rằng đây là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất của Đảng bộ tỉnh Nghệ An cũng như mục tiêu phấn đấu của Bộ Y tế. Chúng tôi coi đây là mục tiêu gắn với sự phát triển của ngành y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Thông tin về việc hiện nay ngành y tế đang quy hoạch lại sự phát triển tổng thể của ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đặt Nghệ An là 1 trung tâm y tế chuyên sâu của ngành y tế trên địa bàn khu vực Bắc Trung Bộ. Rồi khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Bắc cũng đều có trung tâm y tế chuyên sâu. Việc đặt ra các vùng đó để làm sao cho y tế phát triển, bảo đảm người dân các khu vực đó được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao tương đương, gần tương đương tuyến Trung ương.
Theo Bộ trưởng, trung tâm y tế chuyên sâu phải tổng thể, toàn diện tất cả các chuyên khoa, chứ không đơn lẻ một vài chuyên khoa. Ngoài các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, tới đây cũng phải quan tâm đến vấn đề 1 tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nội tiết, rối loạn chuyển hoá… rồi quan tâm đến y tế dự phòng. Phải có cả khám chữa bệnh và y tế dự phòng. Theo đó, trong y tế dự phòng, không chỉ là 1 Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh đơn thuần mà phải quan tâm đầu tư xây dựng phòng an toàn sinh học cấp 3, bảo đảm an toàn, an ninh y tế trong toàn khu vực. Thực tế đó đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Nghệ An cần cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng bộ về vấn đề này.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, vấn đề trang thiết bị và nhân lực, có thể khắc phục đáp ứng được nhưng chất lượng dịch vụ và kỹ thuật mang tính chuyên sâu đòi hỏi phải có thời gian. Ngay bây giờ, nếu bắt tay thực hiện luôn thì đến năm 2025 mới có thể đạt đúng theo yêu cầu. Về mặt chuyên môn, bắt buộc phải có các bệnh viện của Trung ương hỗ trợ toàn diện, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ toàn diện các chuyên khoa của ngành y tế tỉnh. Trường Đại học Y Hà Nội cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ Nghệ An về đào tạo nhân lực.
Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, tỉnh Nghệ An xác định y tế cũng là một trụ cột phát triển kinh tế xã hội của địa phương, do đó, tỉnh luôn quan tâm đến ngành y tế. Tỉnh rất mong Bộ Y tế đồng hành, hỗ trợ tỉnh để ngành y tế Nghệ An phát triển hơn nữa, đạt mục tiêu là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Bắc Trung Bộ.