Cũng dễ hiểu, bởi tài chính vốn là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và luôn là một trong những mối quan tâm thường trực của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước. Con số 51 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính (so với 37 đại biểu đăng ký chất vấn với lĩnh vực ngoại giao) đã phần nào cho thấy sự quan tâm đó.
Còn tình trạng chèo kéo, tranh giành, làm méo mó thị trường bảo hiểm
Đã nhiều lần tham gia giải trình và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhưng hầu hết vấn đề đưa ra chất vấn với lĩnh vực tài chính lần này là những nội dung mới, được các Đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Do đó, như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, "việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực tài chính là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhằm lành mạnh hóa và thúc đẩy thị trường tài chính phát triển, nhất là các loại hình dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như: Bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá…".
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc phát triển các loại hình này đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, thậm chí vượt bậc, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân. Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các loại hình thị trường tài chính cũng đã nảy sinh một số hệ lụy và mặt trái, gây bức xúc dư luận, cần được kịp thời chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Một trong những vấn đề thời sự nổi lên được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngay khi bắt đầu phiên chất vấn liên quan đến: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Trước tình trạng chèo kéo, tranh giành khách quá mức, làm méo mó thị trường bảo hiểm, tạo hiểu lầm cho khách hàng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ bảo hiểm; chưa kể hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, tư vấn chỉ giới thiệu những mặt tốt mà chưa nêu rõ các nghĩa vụ và điều kiện, dẫn đến người mua bảo hiểm không nắm chắc và thường bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp; việc bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng, các ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)... đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp chấn chỉnh và khắc phục?
Khẳng định, "những hành vi chèo kéo, bán hợp đồng bảo hiểm thuộc hành vi của các nhân viên bán bảo hiểm và các công ty bảo hiểm", Bộ trưởng nêu rõ, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Luật hiện hành nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai về bảo hiểm, hoặc tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm. Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại và xử phạt một cách nghiêm minh; những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Thẳng thắn thừa nhận, "trước đây có những hợp đồng dài chục trang, gây nên vấn đề sơ hở và thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm", song Bộ trưởng cũng cho biết, sau khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định có liên quan, đã có một chương dành cho hợp đồng bảo hiểm theo hướng "gọn, rõ, chặt chẽ hơn". Trong đó, có quy định trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót, thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi lại số tiền của mình và công ty bảo hiểm phải trả lại. Nói cách khác, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, thì vấn đề đại biểu nêu là những hành vi “cấm không được thực hiện”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Tương tự với việc “ép” người có nhu cầu vay vốn phải mua các sản phẩm bảo hiểm của các tổ chức tín dụng - hành vi khá phổ biến đang gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng cho biết, trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) Quốc hội vừa thông qua và Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã có các quy định điều chỉnh. Về giải pháp và hướng xử lý, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã giao Cục Quản lý bảo hiểm phối hợp thường xuyên với cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước để xử lý những trường hợp khi có đơn kiện hoặc khi có thông tin hoặc trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với việc lợi dụng các tổ chức tín dụng và ngân hàng để bán bảo hiểm...
Chúng tôi quản lý rất chặt chẽ việc cấp phép và hoạt động của kiểm toán viên
Cùng với câu chuyện “bảo hiểm”, trong nửa ngày dành cho nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, các chất vấn của đại biểu cũng chỉ rõ những hiện tượng "không bình thường" cần được kịp thời chấn chỉnh, như một số doanh nghiệp thẩm định giá đã từ chối thẩm định giá đấu thầu, mua sắm trang, thiết bị cho hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước. Hay, một số địa điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài bị lợi dụng để đánh bạc, phải xử lý hình sự. Có hay không câu chuyện tiêu cực khi dư luận cho rằng “có vụ việc con voi chui qua lọt nhưng con kiến lại không qua được lưới hải quan"?...
Để phòng ngừa, răn đe những hành vi tiêu cực trong ngành kiểm toán tư nhân, một số đại biểu đề nghị, Bộ trưởng làm rõ khi thực tế không ít doanh nghiệp kiểm toán bỏ qua sai sót của đối tượng kiểm toán vì lợi ích riêng, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, bao che sai phạm, tiêu cực. Điển hình là vụ án liên quan đến Ngân hàng SCB, có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán tầm cỡ sai phạm chức năng quản lý ngành...
Cho rằng, thông tin Bộ Tài chính cấp phép cho nhiều công ty thẩm định giá là “chưa hoàn toàn chính xác”, Bộ trưởng cho biết, hiện chỉ có mấy trăm công ty trong phạm vi cả nước. Các kiểm định viên có chứng chỉ về giá phải qua đào tạo, qua thi cử và trong 3 năm vừa qua, chưa có trường hợp nào trong một kỳ thi vượt quá 33% số người dự thi trúng tuyển. "Chúng tôi quản lý rất chặt chẽ trong vấn đề cấp phép cũng như hoạt động của kiểm toán viên". Thực tế một số vụ việc vừa qua cho thấy, “những sai phạm này thuộc về hành vi của thẩm định viên về giá”.
Nhấn mạnh quan điểm nêu trên, Bộ trưởng dẫn chứng, ví dụ với vụ xảy ra tại Ngân hàng SCB, những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đã vào kiểm toán SCB, nhưng "đều vi phạm". Chỉ rõ điều này là “do kiểm toán viên, do thẩm định viên chứ không thể nói do công tác quản lý”, song Bộ trưởng cũng cho rằng, "một số văn bản pháp luật của chúng ta vẫn có lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng"…; từ chuyện “cố tình làm sai" dẫn đến "xảy ra sai phạm"; và "khi xảy ra sai phạm thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự”.
Trong quỹ thời gian dành cho nhóm lĩnh vực tài chính, hầu hết các câu hỏi, vấn đề đại biểu nêu ra đều được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời ngắn gọn, trực diện, đúng trọng tâm với tinh thần trách nhiệm cao, cho thấy sự hiểu biết và nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Với những vấn đề cụ thể, Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và đề xuất được giải pháp xử lý, khắc phục.
Phần trả lời của Bộ trưởng cho thấy, các yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn đã được thực hiện nghiêm túc. Đó là, các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung được chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.