Công tác thi hành Hiến pháp, luật có nhiều đổi mới
Ngay phát biểu gợi mở thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian từ ngày 1.10.2021 đến ngày 30.7.2022 có rất nhiều đổi mới. Và một trong những đổi mới căn bản đó là Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đã phối hợp để tiến hành rà soát các đề cương báo cáo từ trước đến nay cũng như yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, qua đó xây dựng dự thảo Đề cương báo cáo thống nhất để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận yêu cầu Chính phủ thực hiện báo cáo theo Đề cương nêu trên.
Qua theo dõi công tác này trong nhiều năm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chuẩn bị báo cáo có chất lượng, đúng thời hạn, nội dung theo yêu cầu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, các thông tin, số liệu cơ bản đầy đủ, rõ ràng, phản ánh khá toàn diện và sát thực tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022.
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành công tác trọng tâm, thường xuyên, với nhiều đổi mới, sáng tạo hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. “Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nước ta thời gian qua phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do tình hình dịch Covid-19 và sức ép lạm phát cao, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bị ảnh hưởng”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ghi nhận.
Đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đối với công tác này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề cho ý kiến về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, trong đó có nhiều phiên họp Thủ tướng trực tiếp chủ trì. Quá trình xây dựng mỗi dự án Luật không có sự phân biệt về vai trò giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra qua các giai đoạn. Từ lần đầu trình đến khi xem xét thông qua dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo luôn sát cánh bên nhau, tâm huyết và trách nhiệm. "Không có đồng chí bộ trưởng nào bảo vòng 1 của cơ quan chủ quản soạn thảo xong rồi, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Nghị quyết thuộc sân của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nói.
Số văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng vẫn cao
Trong phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ và các cơ quan cần hết sức coi trọng công tác thể chế hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng kết lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật. Đây là tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nội dung này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội phát biểu, kết luận, chỉ đạo tại Hội nghị về công tác xây dựng pháp luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua.
Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội và chất lượng, tiến độ các văn bản ban hành theo thẩm quyền. Đồng thời, quan tâm hoàn thành sớm các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và phấn đấu khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai thi hành pháp luật năm 2022. Trong các hạn chế, tồn tại được Báo cáo của Chính phủ chỉ ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật và nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến tình trạng: so với năm 2021, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực tăng, dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, trong 70/110 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực trước ngày 1.8.2022, hiện có 59 văn bản đã được ban hành. Ngay ở những văn bản đã ban hành cũng có 34 văn bản ban hành chậm (cá biệt Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng chậm 3 năm); đến nay còn 11/70 văn bản quy định chi tiết nợ, chưa ban hành. “Việc ban hành văn bản quy định chi tiết chậm là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, làm ảnh hưởng đến việc thi hành chính sách cũng như quyền lợi của đối tượng thụ hưởng chính sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội thẳng thắn.
“Dù số văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng số văn bản nợ tăng, thậm chí có luật trong thời kỳ trước đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn” là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý và đề nghị “cần phân tích kỹ lưỡng”. Để làm rõ hơn nguyên nhân của tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, cũng như góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng cần rà lại một số văn bản quy phạm pháp luật, từ luật đến nghị định, thông tư xem còn gì vướng mắc hay không?
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội lưu ý về hiện tượng một số văn bản quy định chi tiết trong quá trình thực hiện vừa qua đã phát hiện sơ hở, gây thiệt hại cho Nhà nước, người dân, đòi hỏi các cơ quan chức năng chủ động rà soát, làm rõ trách nhiệm. Hay, cụ thể hơn là xác định do quy định của Luật hay chất lượng từ chính văn bản quy định chi tiết; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị. “Có những vấn đề chúng ta chưa kết luận được, nhưng phải nêu ra để còn yêu cầu, báo cáo, giải trình”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa cao. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ nhìn chung chưa được thực hiện nghiêm túc, chỉ mới dừng lại ở mức phê bình, rút kinh nghiệm, đánh giá việc hoàn thành công vụ, chưa bảo đảm tác dụng giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, tại Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập rõ việc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan liên quan trong thực hiện công tác này. Do vậy, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, Chính phủ cần bổ sung đánh giá về vấn đề trên vào Báo cáo.
Có thể thấy, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới, sáng tạo, nhất là có sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Thủ tướng. Ghi nhận những kết quả này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023 cần xác định việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên thực hiện; phấn đấu tập trung nguồn lực để hoàn thành tốt kế hoạch, chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng và tiến độ.