Đây là ý kiến được đưa ra tại hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng nay, 24.3, tại Hà Nội. Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu chủ trì hội nghị.
Bao nhiêu ý kiến không tán thành được coi không đồng thuận?
Để nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành 1 điều về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, điều 68 dự thảo Luật quy định về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Dự thảo Luật quy định, Chính phủ quy định chi tiết việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh tập trung vào các đối tượng gồm nhóm các cơ quan nhà nước và nhóm cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó, nhóm đối tượng được lấy ý kiến là các cơ quan nhà nước được dự thảo Luật quy định chi tiết, cụ thể. Ngược lại, nhóm đối tượng lấy ý kiến là cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì Dự thảo Luật quy định rất chung chung.
“Để tránh tính hình thức và không hiệu quả trong việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc đối tượng được lấy ý kiến trong Điều luật này là những cơ quan, tổ chức cụ thể nào? Cộng đồng, cá nhân có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay những người nằm trong hay bên ngoài khu vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” – ông Tuyến đặt vấn đề.
Cũng theo ông Tuyến, nguyên tắc đồng thuận tương đối không được thể hiện trong dự thảo Luật. Bởi theo ông Tuyến, điều 68 dự thảo Luật không quy định tỷ lệ bao nhiêu % ý kiến góp ý không tán thành với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì được xác định là không đồng thuận và ngược lại. Vậy, trong trường hợp, các ý kiến không đồng thuận với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền lập có sửa đổi nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay không? Nếu sửa thì sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần nội dung của bản quy hoạch, kế hoạch?.
Câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp bảo lưu dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì trách nhiệm giải trình của những chủ thể này được thực hiện như thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền không thực hiện việc giải trình sẽ ra sao? Ông Tuyến đặt vấn đề.
“Nếu những vấn đề này không được quy định đầy đủ, chi tiết thì nội dung của điều luật này (nội dung về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất - pv) chỉ mang tính hình thức và việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không hiệu quả, mất thời gian và gây tốn kém nguồn lực của xã hội” – ông Tuyến nhận định.
Cần bổ sung tiêu chí cơ bản khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Thực tế cho thấy, trong quá trình sử dụng đất việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là điều khó tránh khỏi. Khi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ phát triển có sự thay đổi hoặc do yêu cầu của quốc phòng - an ninh ... thì việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp là điều rất cần thiết. Nhấn mạnh điều này, song ông Tuyến bày tỏ lo ngại, nếu không quy định chi tiết, chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát; chế tài xử lý vi phạm ... thì rất dễ tiềm ẩn việc lợi dụng rà soát, điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có lợi cho một nhóm người trong xã hội hoặc phát sinh tham nhũng, tiêu cực làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. “Như vậy, kỷ luật tuân thủ quy hoạch không nghiêm và rất dễ bị vi phạm”.
Để khắc phục điều này, ông Tuyến đề nghị, cần bổ sung một điều khoản về nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tương thích với nội dung về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 60 của dự thảo Luật.
Lý giải về đề xuất này, ông Tuyến cho rằng, về bản chất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng có vai trò quan trọng như lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong việc làm thay đổi toàn bộ hoặc một phần nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn đảm bảo nâng cao tính chặt chẽ, thận trọng trong việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo tuân thủ nghiêm kỷ luật thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể, chi tiết, đầy đủ các trường hợp được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng để điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mang tính chất lợi ích nhóm và đảm bảo dễ áp dụng khi Luật có hiệu lực thi hành.
Cùng với đó, ông Tuyến cũng đề nghị, cần bổ sung quy định về các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế việc thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong trường hợp không thực sự cần thiết. Ngoài ra, bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc vi phạm về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các mức xử lý đủ sức răn đe, nghiêm minh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng quan điểm này, GS.TS Lê Vân Trình, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách, Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, việc quy hoạch xây dựng được điều chỉnh là bình thường mục đích để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả đất nước theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, việc cho phép điều chỉnh quy hoạch và thẩm quyền điều chỉnh không rõ ràng là khe hở để các địa phương điều chỉnh quy hoạch có thể sau 1 nhiệm kỳ, sau một thời gian rất ngắn là tùy tiện, làm biến dạng quy hoạch gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, cần có quy định về các tiêu chí cụ thể để điều chỉnh quy hoạch cũng như chế tài nghiêm khắc đối với việc điều chỉnh quy hoạch nhưng không đúng trình tự, thủ tục gây thiệt hại tài sản cho nhà nước, tổ chức, công dân, ông Trình đề nghị.