Tới dự có Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Vũ Đức Đam; Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Chương trình nhằm tăng cường phối hợp, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Cũng như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động khác nhằm góp phần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền và tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong tình hình mới. Đồng thời, tạo cơ chế phối hợp thường xuyên và phát huy vai trò của các cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Tòa án Nhân dân tối cao trong quá trình phối hợp triển khai các nhiệm vụ.
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, hai bên phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc; đấu tranh với tội phạm ma túy và công tác cai nghiện ma túy; phối hợp nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính và nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm.
Đồng thời, xây dựng và triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy với sự tham gia của Tòa án, hướng tới mô hình “Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy”, nhằm tăng cường kết nối giữa các cơ quan về tư pháp, hành pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy, giúp họ tuân thủ điều trị và cai nghiện hiệu quả thông qua các hoạt động sơ kết, đánh giá mô hình thí điểm hỗ trợ, tư vấn xã hội, pháp lý và chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại Hà Nội, Đà Nẵng,TP Hồ Chí Minh và triển khai giai đoạn tiếp theo với sự tham gia của tòa án; tổ chức tập huấn, hội thảo cho cán bộ tòa án, công an, y tế, lao động về nội dung, cơ chế phối hợp triển khai mô hình; xây dựng Hướng dẫn triển khai mô hình; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan để triển khai mô hình…
Chương trình cũng sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phản ánh kịp thời, chính xác các hoạt động và kết quả phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và Tòa án nhân dân tối cao thông qua các bản án đã có hiệu lực pháp luật, được Tòa án nhân dân các cấp xét xử; trao đổi cung cấp thông tin về tình hình người sử dụng ma túy; người nghiện ma túy; người nhiễm HIV; người bị đề nghị tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc...Phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho thẩm phán trong việc thực thi pháp luật về xét xử các vụ án liên quan đến ma túy, mại dâm nhằm xét xử nghiêm minh tội phạm. Tiến hành tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Chương trình phối hợp tại các địa phương, đơn vị nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Chương trình cũng nêu rõ, công tác phối hợp bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phù hợp với điều kiện, nguồn lực; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là các cơ quan, đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.Các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú, kịp thời, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong tình hình mới; phát huy tối đa tiềm năng và nguồn lực sẵn có của các bên.Chương trình phối hợp được cụ thể hóa, lồng ghép trong kế hoạch công tác hàng năm; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.