Trên đường đi học về, nam sinh G.Đ.T.M.,12 tuổi, sống tại Tổ 4, huyện Tân Hà, tỉnh Tuyên Quang không may bị ong mặt quỷ đốt nhiều nốt vào đầu và cổ.
Sau khi bị ong đốt bệnh nhân khó thở, vã nhiều mồ hôi và được người nhà đưa vào Bệnh viện Công an tỉnh Tuyên Quang cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gọi hỏi đáp phản ứng chậm, da toàn thân mẩn đỏ, vã mồ hôi, da lạnh, môi tím tái. Nam sinh này được chẩn đoán sốc phản vệ.
Ngay lập tức, êkíp trực của bệnh viện đã xử trí nhanh, chính xác, kịp thời dùng các thuốc vận mạch, chống sốc cứu bệnh nhân thoát cơn nguy kịch.
Theo các chuyên gia, ong mặt quỷ thuộc họ Vespidae, cùng họ với ong đất, là loài ong to, ăn thịt. Loài này thường sống ở các địa phương miền núi, vùng tự nhiên hoặc cận tự nhiên, ít có ở khu vực đồng bằng. Ong mặt quỷ chỉ tấn công người và động vật khi chúng bị đánh động.
Khác với loài ong mật, sau khi đốt hết nọc độc, chúng sẽ chết, còn ong mặt quỷ không chỉ đốt một lần mà có thể nhiều lần.
Nếu trẻ nhỏ, chỉ cần 3-5 con ong mặt quỷ đốt có thể gây tử vong; với người lớn, khoảng 20 con đốt thì có thể gây sốt, dẫn đến tử vong.
Theo BSCKI Trần Văn Long - Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu, nọc của ong mặt quỷ rất độc và nguy hiểm.
Cụ thể, khi bị đốt, nọc độc của ong mặt quỷ có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng… Nếu không xử trí kịp thời rất dễ nguy hiểm đến tính mạng”.
Cũng theo chuyên gia này, trường hợp bị ong mặt quỷ đốt nếu có dấu hiệu nặng như sưng đau, người thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc các nốt đốt ở những vị trí ở đầu, mặt cổ… cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất gần nhất để các bác sĩ khám và cấp cứu kịp thời.