Theo CN Vũ Thị Ngọc Lan, Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108 , dưới đây là những cơ chế chính mà stress gây ra có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Khi mức cortisol cao, nó có thể ức chế quá trình sản xuất testosterone, dẫn đến giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, và giảm chất lượng tinh trùng. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Fertility and Sterility (2012) đã chỉ ra rằng nam giới có mức cortisol cao thường có chất lượng tinh trùng thấp hơn và khó thụ thai hơn.
Sự mất cân bằng hormone do stress có thể ảnh hưởng đến hệ sinh sản và làm giảm khả năng thụ thai. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nam giới có mức cortisol cao có thể gặp khó khăn trong việc duy trì mức testosterone ổn định, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Giảm chất lượng tinh trùng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress có thể làm giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Psychoneuroendocrinology (2005) cũng cho thấy mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến sự suy giảm về số lượng và chất lượng tinh trùng. Điều này thể hiện qua các yếu tố sau:
Stress kéo dài có thể dẫn đến giảm số lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Tinh trùng di động là yếu tố quan trọng giúp tinh trùng di chuyển đến gặp trứng để thụ tinh. Stress có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, khiến quá trình thụ thai trở nên khó khăn hơn.
Stress cũng có thể làm tăng tỷ lệ tinh trùng dị dạng (không có hình thái bình thường), điều này làm giảm khả năng tinh trùng thụ tinh với trứng.
Ngoài ra còn làm thay đổi trong lối sống như ngủ không đủ, chế độ ăn uống không lành mạnh, tăng sử dụng rượu bia hoặc thuốc lá, tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm chức năng sinh sản.
Giảm chất lượng giấc ngủ, khiến cơ thể không có thời gian phục hồi và sản xuất hormone một cách bình thường. Vì vậy thiếu ngủ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản.
Khi căng thẳng, người ta thường có xu hướng ăn uống không lành mạnh (ăn đồ ăn nhanh, nhiều chất béo, ít rau quả), điều này có thể làm giảm chất lượng tinh trùng. Các chất dinh dưỡng quan trọng như kẽm, vitamin C, và axit folic, giúp tăng cường chất lượng tinh trùng, có thể thiếu hụt trong chế độ ăn không cân đối.
Stress kéo dài có thể gây rối loạn chức năng tình dục ở nam giới
Rối loạn cương dương (ED): Stress có thể làm giảm khả năng duy trì cương cứng, khiến nam giới khó thực hiện quan hệ tình dục hoặc gặp khó khăn trong việc thỏa mãn đối tác.
Giảm ham muốn tình dục: Stress cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục (libido) vì mức cortisol cao có thể làm giảm mức testosterone, từ đó ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục và khả năng sinh sản.
Đặc biệt , khi stress trở thành chronic stress (stress mãn tính), các tác động tiêu cực đối với hormone và chức năng sinh lý có thể kéo dài và gia tăng. Điều này có thể làm giảm khả năng sinh sản một cách đáng kể và khiến các vấn đề sức khỏe sinh lý trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó , CN Vũ Thị Ngọc Lan, Khoa Nam học, Bệnh viện TWQĐ 108 cũng chỉ ra một số biện pháp giảm stress để bảo vệ chức năng sinh sản như sau:
Tập thể dục thường xuyên
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc thiền giúp giảm căng thẳng và cải thiện tuần hoàn máu, đồng thời giúp tăng mức testosterone tự nhiên.
Thư giãn và giảm căng thẳng
Các phương pháp thư giãn như thiền, yoga, hoặc bài tập thở sâu có thể giúp giảm mức cortisol trong cơ thể.
Giấc ngủ đầy đủ
Đảm bảo ngủ đủ giấc (7-8 giờ mỗi đêm) là rất quan trọng để giúp cơ thể phục hồi và duy trì sự cân bằng hormone.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng và tránh các thói quen xấu như hút thuốc hoặc uống rượu bia quá mức.
Chăm sóc sức khỏe tâm lý
Nếu stress quá lớn hoặc kéo dài, tham khảo sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả.