Những quyết sách chiến lược đúng đắn
Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 21.7.1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, miền Bắc đã được giải phóng, con đường hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội dần dần rõ nét.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Lê, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ trong khoảng thời gian hơn 5 năm, với tất cả sự nỗ lực, Nhân dân miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội; ở miền Nam, hy vọng về một cuộc hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền đất nước trong hòa bình đã dần dần mất đi vì những hành động hiếu chiến, xé bỏ Hiệp định Genève của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Bản Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ tháng 12.1956 chỉ rõ: để chống lại sự thống trị độc tài phát xít hiếu chiến Mỹ - Diệm, Nhân dân miền Nam chỉ còn con đường cách mạng cứu nước và tự cứu mình, ngoài ra không còn con đường nào khác. Bản Đề cương đã cung cấp những cơ sở để Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (Nghị quyết 15), tháng 1.1959, khẳng định: “... con đường đấu tranh vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam; con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân...”.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, nhìn nhận Nghị quyết 15 không những đáp ứng nhu cầu lịch sử, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên vượt qua giai đoạn đen tối mà còn thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập, tự chủ của Đảng. Bản Nghị quyết đã tạo bước nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền Nam, hiện rõ qua cao trào Đồng Khởi rầm rộ khắp miền Nam từ đầu năm 1960.
Tháng 9.1960, Đại hội Đảng lần thứ III đã xác định nhiệm vụ và đường lối thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền trong giai đoạn mới. Đó là đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.
Đường lối này xuất phát từ thực tiễn và thể hiện ý chí độc lập thống nhất của cả dân tộc Việt Nam, bất chấp những âm mưu chia cắt, những toan tính của các thế lực khác đằng sau cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam. Việc đề ra và thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng đã bảo đảm tính thống nhất, tính liên tục của cách mạng Việt Nam. Nước Việt Nam là thống nhất. Cách mạng miền Nam là bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng dân tộc.
Kỷ nguyên mới của dân tộc
Cùng với những quyết sách chiến lược đúng đắn, sáng tạo, quân và dân ta cũng đạt được các thắng lợi trên mặt trận quân sự. Theo nhận định của PGS.TS. Nguyễn Huy Thục, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hơn hai thập kỷ, với 5 loại hình chiến lược chiến tranh: chiến tranh một phía (7.1954 - 1960), chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), chiến tranh cục bộ (1965 - 1968), phi Mỹ hóa chiến tranh (1968 - 1969) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969 - 4.1975), quân và dân ta đã buộc Mỹ đi từ thất bại này đến thất bại khác, từ thấp đến cao. Những dấu mốc sự kiện điển hình như: Đồng Khởi 1960; Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài cuối 1964 đầu 1965; các mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 và Tết Mậu Thân 1968; Đường 9 - Nam Lào 1971; Quảng Trị 1972; mùa Xuân Ất Mão 1975 trên chiến trường miền Nam.
Bên cạnh đó là hơn 4.000 máy bay các loại bị bắn rơi trên miền Bắc trong hai lần chiến tranh phá hoại miền Bắc (2.1965 - 11.1968 và 4.1972 - 1.1973), nổi bật là 34 “pháo đài bay” B52 cùng hàng trăm máy bay hiện đại tan xác trong trận Điện Biên Phủ trên không (12.1972) là những bằng chứng về sự thất bại trong quá trình leo thang chiến tranh rồi buộc phải xuống thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.
“Điều đặc biệt là, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã trực tiếp tái diễn hình ảnh Điện Biên Phủ của quân đội Pháp. Đó là trận thung lũng Khe Sanh (1968) và Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội. Đây chính là hai đòn đánh góp phần quan trọng vào quyết định vô cùng khó khăn của giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc: chấp nhận đến bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, PGS.TS. Nguyễn Huy Thục đánh giá.
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris được ký, với Điều 1 (Chương I) ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Genève năm một nghìn chín trăm năm mươi tư (1954) về Việt Nam đã công nhận”.
Theo TS. Ngô Vương Anh, Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân, con đường đi từ Hiệp định hòa bình đến hòa bình và thống nhất đất nước trên thực tế của Nhân dân Việt Nam không bằng phẳng. Để đi từ hòa bình trên bàn đàm phán đến hòa bình trong thực tế, quân và dân hai miền Nam, Bắc còn phải chịu thêm nhiều tổn thất hy sinh do những âm mưu và hành động ngoan cố của Mỹ và tập đoàn tay sai; nhân dân Việt Nam không có ảo tưởng về sự “bằng phẳng” trên con đường đi đến hòa bình, độc lập, thống nhất dân tộc.
Nghị quyết số 227-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 21, Khóa III, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (13.10.1973) đã dự kiến tình hình phát triển theo hai khả năng. Thứ nhất, do đấu tranh tích cực trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, ta có thể từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, hòa bình được lập lại thật sự, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nhằm hoàn thành độc lập, dân chủ tuy còn lâu dài nhưng ngày càng phát triển và ở thế tiến lên mạnh mẽ.
Mặt khác, do âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ cố bám giữ khu vực Đông Dương, Đông Nam Á, do bản chất cực kỳ phản động ngoan cố của Mỹ và tập đoàn thống trị tư sản mại bản quan liêu, quân phiệt tay sai Mỹ, Hiệp định Paris về Việt Nam tiếp tục bị địch vi phạm và phá hoại, xung đột quân sự có thể ngày càng tăng, cường độ và quy mô chiến tranh ngày càng lớn, ta lại phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn.
"Ta phải hết sức tranh thủ thực hiện khả năng thứ nhất và chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thứ hai", Nghị quyết số 227-NQ/TW nêu rõ.
“Thực tế lịch sử đã diễn ra theo khả năng thứ hai được dự kiến. Vì vậy, có thể nói Hiệp định Paris 27.1.1973 đã mở rộng cánh cửa để chúng ta đi đến chiến thắng trọn vẹn cuối cùng. Ngay sau Hiệp định, chúng ta đã sớm chuẩn bị chiến lược giải phóng miền Nam, cả về thế và lực”, TS. Ngô Vương Anh khẳng định.
Các chuyên gia quân sự tổng kết, trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, Trung ương Đảng đã chỉ đạo sắc sảo, chọn hướng tấn công bất ngờ, chọn cách đánh hiệu quả, nắm bắt nhanh diễn biến chiến trường và khi thời cơ xuất hiện đã kịp thời quyết tâm tận dụng và thúc đẩy thời cơ phát triển với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm”, với phương châm “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”, nhanh chóng kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến thắng ngày 30.4.1975 cũng kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách nô dịch của thực dân, đế quốc và phong kiến để mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất và xây dựng phồn vinh.
Thắng lợi của Nhân dân Việt Nam đã tác động đáng kể đến cục diện thế giới, ảnh hưởng to lớn và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới.