“Trường quốc tế” là một loại hình giáo dục tất yếu trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước với thế giới. Thời gian qua một số trường quốc tế và cả trường tư thục giảng dạy chương trình nước ngoài đã có đóng góp nhất định cho sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận xã hội hiện nay.
Theo thông tin công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh (Sở GD&ĐT), hiện trên địa bàn có 26 cơ sở giáo dục có hoạt động giảng dạy theo chương trình nước ngoài, 14 trường cơ sở giáo dục tư thục Việt Nam có tích hợp thêm chương trình giáo dục nước ngoài và một trường song ngữ dạy theo chương trình giáo dục Việt Nam.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại biểu Nhân dân, hiện nhiều cơ sở giáo dục khi được giới thiệu quảng bá trên các phương tiện thông tin đều thêm từ “quốc tế” hoặc từ tiếng anh vào trong tên trường. Việc này có thể khiến nhiều phụ huynh nhầm tưởng là cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc chuẩn quốc tế.
Có thể kể đến trường hợp của trường Việt Úc có tên theo quản lý của Sở GD&ĐT là “Trường TH, THCS, THPT Việt Úc”, không có từ “quốc tế” nào trong tên trường. Tuy nhiên khi quảng cáo giới thiệu tên trường được đổi thành “Trường Quốc tế Việt Úc (VAS)”.
Hay Trường Nam Mỹ có tên theo quản lý của Sở GD&ĐT là “Trường TiH, THCS, THPT Nam Mỹ”, là trường tư thục được giảng dạy hoàn toàn theo chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Nhưng trên các kênh thông tin thì quảng cáo, giới thiệu thì tên trường được đổi thành “Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS)” và có dạy chương trình quốc tế.
Hay Trường Emasi Vạn Phúc có tên theo quản lý của Sở GD&ĐT là “Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Emasi Vạn Phúc”, là trường tư thục được giảng dạy hoàn toàn theo chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam.
Tuy nhiên, trên các kênh thông tin thì quảng cáo, giới thiệu thì tên trường được đổi thành “Trường Song ngữ Quốc tế EMASI Vạn Phúc” và có dạy chương trình quốc tế.
Hay Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Emasi Nam Long cũng là trường tư thục được giảng dạy hoàn toàn theo chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam.
Nhưng trên các kênh thông tin thì quảng cáo, giới thiệu như sau: “EMASI là Hệ thống Trường Song ngữ Quốc tế chất lượng hàng đầu với chương trình Phổ thông Cambridge, cơ sở vật chất quốc tế và phương pháp giáo dục từ Mỹ.”
Tiếp đến là trường hợp của Trường Nam Úc có tên theo quản lý của Sở GD&ĐT là “Trường TH, THCS và THPT Nam Úc”. Nhưng trên các kênh thông tin giới thiệu nhà trường thì tên trường được đổi thành “Trường quốc tế Scotch AGS”.
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở GD&ĐT cũng đã thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh đối với hoạt động của các trường tư thục trên địa bàn. Các thông tin về các cơ sở giáo dục ngoài công lập đều được Sở GD&ĐT thông tin công bố đầy đủ.
Hiện nay, tình trạng nhiều cơ sở giáo dục tự gắn nhãn mác “trường quốc tế” đã dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn. Bởi vậy, rất khó để phụ huynh chọn được những cơ sở thực sự có chất lượng quốc tế và xứng đáng với đồng tiền phụ huynh bỏ ra để con theo học.
Theo đó, khi tiến hành lựa chọn cơ sở giáo dục “trường quốc tế”, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin của các cơ sở giáo dục đã được Sở GD&ĐT công bố công khai.
Cùng với đó, phụ huynh nên tìm hiểu rõ thông tin sau: Cơ sở giảng dạy loại chương trình như thế nào; Chương trình giảng dạy có được cấp phép, thẩm định hay không; Bằng cấp có giá trị ở trong nước hay không; Bằng cấp có giá trị quốc tế tại những quốc gia nào; ….
Liên quan đến thông tin về tình trạng một số cơ sở giáo dục tự gắn mác "trường quốc tế" mà PV Báo Đại biểu Nhân dân cung cấp, Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và thông tin tới báo.
* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.