Mới hôm thứ Ba, ngày 22.3, Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016, trong đó thừa nhận vẫn còn những hạn chế trong chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành. Ngay ngày hôm sau, 23.3, diễn biến tiếp nối của vụ việc “lỗ hổng thuế xăng dầu” giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính trở thành minh chứng sống động và đầy tính thời sự cho lời của Thủ tướng.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn của một số cơ quan truyền thông, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho rằng, chịu trách nhiệm chính trong việc chậm ban hành đưa ra mức thuế xuất nhập khẩu mới làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu là Bộ Công thương. Sau phát ngôn của ông Thi, căng thẳng giữa hai Bộ tiếp tục leo thang (dù rằng trước đó đã có vẻ lắng xuống chút đỉnh khi Thủ tướng Chính phủ chấp nhận phương án vá lỗi).
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương ngay lập tức có văn bản gửi đến người đứng đầu và một số Thứ trưởng của hai Bộ, trong đó khẳng định phát biểu của ông Phạm Đình Thi là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu. Văn bản này cũng trích dẫn và tô đậm một số điều khoản của Nghị định 83 để chứng minh rằng chính Bộ Tài chính mới phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu mới, làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu.
Diễn biến này tuy mới nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn là đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau và không còn ai xa lạ với nó nữa. Có chăng, người ta chỉ thấy lạ khi hai Bộ cứ “hồn nhiên” tung hứng, đá qua đá lại quả bóng trách nhiệm như thể trong trận cầu này không có trọng tài, không có cả người xem. Người ta cũng thấy lạ khi đối với cùng một văn bản - mà cả hai Bộ đều tham gia khá sâu vào quá trình soạn thảo, ban hành - nhưng mỗi bên hiểu một kiểu. Điều này là do năng lực của hai Bộ hay là một sự cố tình? Cách thức hai Bộ phản pháo nhau cũng sẽ buộc người ta đặt thêm những câu hỏi khác: hai Bộ có thực sự lơ mơ về chức năng, nhiệm vụ của mình? Hay họ chỉ lơ là trách nhiệm? Hoặc cũng có thể những khả năng này đều đúng cả?
Một số ĐBQH và chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ phải đứng ra phân xử rành rẽ vụ việc này. Một tiền lệ như vậy có lẽ rất cần thiết. Bởi nếu không phân định, làm rõ trách nhiệm và xử lý đến nơi đến chốn thì thất bại của mô hình “chủ trì”, “phối hợp”, “liên ngành” giữa các bộ, ngành trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội là khó tránh khỏi. Điều đó có nghĩa quyền lợi của người dân tiếp tục rơi vào cảnh cha chung không ai khóc, mặc cho các cơ quan quản lý nhà nước luôn miệng nói rằng họ lúc nào cũng cân nhắc, tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.