Sản xuất nông nghiệp đứng trước nguy cơ kiệt quệ
- Dưới góc nhìn của nhà khoa học, ông đánh giá thế nào về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu và suy giảm nguồn nước ở nước ta thời gian qua?
- Trước hết, phải nói rằng, chúng tôi hết sức vui mừng khi Quốc hội quyết định chất vấn về nhóm vấn đề an ninh nguồn nước, giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu và suy giảm nguồn nước. Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Tại Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng thì sự ảnh hưởng này ngày càng biến động phức tạp hơn, không theo quy luật khí hậu thông thường của những năm trước. Làm sao để nông dân có đủ nguồn nước sinh hoạt và canh tác nông nghiệp, vì thế, là vấn đề vô cùng cấp bách của quốc gia hiện nay.
Như báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra, trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn đã liên tục xảy ra đối với vùng ĐBSCL, điển hình như mùa khô 2015 - 2016, 2019 - 2020, 2023 - 2024 và mặn cục bộ đầu năm 2024 vừa qua. Xâm nhập mặn đang có xu thế sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây khi nước mặn vào sâu > 70km.
Trong mùa khô năm 2024, lượng nước về ĐBSCL qua Tân Châu, Châu Đốc trên sông Tiền và sông Hậu tính hết tháng 4.2024 khoảng 75 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 8%; riêng trong tháng 5.2024 khoảng 11 tỷ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 19%. Xâm nhập mặn cao nhất vào trung tuần tháng 3.2024 và xâm nhập mặn (4g/l) sâu vào sông Tiền, sông Hậu 50 - 65km.
Chúng ta đã biết, ĐBSCL chiếm 12% diện tích tự nhiên, gần 20% dân số, đóng góp 17% GDP cả nước, 47% diện tích trồng lúa, 56% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản phẩm thủy sản xuất khẩu của nước ta. Có thể khẳng định, ĐBSCL chính là vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực cả nước. Vậy nhưng, với diễn biến về thời tiết khí hậu trong 4 tháng qua, sản xuất nông nghiệp tại đây đang đứng trước nguy cơ kiệt quệ do hạn, mặn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nếu tình trạng khô hạn và tốc độ xâm nhập mặn tiếp tục phức tạp như hiện nay thì dự báo trong những năm kế tiếp, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ khó mà duy trì.Vì vậy, cần phải có những giải pháp thật căn cơ để kịp đối phó với thực tại mà ĐBSCL đã và sẽ tiếp tục phải hứng chịu.
- Trong báo cáo gửi tới các ĐBQH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra rất nhiều giải pháp để phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước. Theo ông, những giải pháp nào cần được ưu tiên triển khai sớm?
- 14 nhóm giải pháp Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa rất đầy đủ và đồng bộ. Vấn đề là tốc độ triển khai các giải pháp đó ra sao và hiệu quả đến đâu.
Trong số những giải pháp đã được nêu ra, tôi cho rằng Bộ cần làm tốt việc công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh, bắt đầu từ năm 2025. Kịch bản này sẽ là căn cứ để điều hòa phân bổ nguồn nước. Các bộ, UBND cấp tỉnh trên lưu vực sông dựa vào kịch bản này để lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Cùng với đó, phải ưu tiên đầu tư các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn, bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, kinh tế biển khu vực ven biển.
Muốn ổn định sản xuất, hạn chế thiệt hại thì đầu tư cho dự báo thời tiết, khí hậu cũng rất cấp thiết. Nếu dự báo trước được sự thay đổi của thời tiết, người nông dân có thể tránh được những hậu quả do thiên tai gây ra, đồng thời có những phương án cụ thể trong việc phát triển các loại cây trồng phù hợp. Đó có thể là việc lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, đồng thời chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản thích ứng với thay đổi khí hậu để tăng thêm năng suất, hiệu quả cho việc sản xuất, phát triển lĩnh vực nông nghiệp của người dân theo tiêu chí: "thích ứng - hiệu quả - bền vững".
Đặc biệt, tôi rất tán thành việc Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ nước, điều tiết nguồn nước, liên kết vùng… chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông.
Cần tích trữ và điều tiết nguồn nước ngọt hợp lý
- Theo ông, giải pháp nào có thể giúp “tăng cường khả năng trữ nước” để nông dân ĐBSCL có đủ nguồn nước sinh hoạt và canh tác?
- Hiện tại, ĐBSCL có 1,82 triệu ha đất phục vụ trồng lúa, trong đó có 1,7 triệu ha chuyên canh lúa, 185.000 ha luân canh lúa - màu (ngô, đậu tương, rau màu) và 240.000 ha luân canh lúa - thủy sản. Nếu gặp hạn hán và xâm mặn như 4 tháng đầu năm 2016 thì chúng ta mất trắng khá nhiều diện tích lúa vụ Đông-Xuân và khó có thể tiếp tục canh tác trong vụ Hè - Thu do thiếu nước ngọt. Ngoài ra, nguy cơ ngập lụt có thể phát triển diện rộng vào thời điểm từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11 dương lịch. Như vậy, bài toán đặt ra là phải biết tích trữ và điều tiết nguồn nước ngọt của dòng Mêkong từ thượng nguồn đổ về.
Chúng ta chỉ cần dành ra từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ chứa nước ngọt dọc theo 2 bên bờ sông Tiền và sông Hậu thì chúng ta sẽ có từ 54.600ha đến 91.000ha mặt nước. Nếu hồ chứa có chiều sâu 2m thì mỗi năm sau khi lũ đổ về chúng ta đã trữ được 1,1 tỷ m3 đến 1,82 tỷ m3 nước ngọt để lưu trữ phục vụ cho tưới tiêu cây trồng cạn hoặc canh tác lúa nếu gặp hạn hán.
Ngoài ra, tổng diện tích mặt nước và tổng khối lượng nước được tồn trữ sẽ góp phần làm giảm áp lực và chiều sâu ngập lũ tại các vùng trũng ở ĐBSCL (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên…), đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm một lượng diện tích mặt nước không nhỏ để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tổng diện tích mặt nước như vậy cũng sẽ góp phần cải thiện môi trường và tiểu khí hậu tại ĐBSCL.
- Đề xuất này ảnh hưởng như thế nào đến an ninh lương thực, thưa ông?
- Với hơn 40 năm nghiên cứu khoa học và xâm nhập thực tế sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam,tôi tin rằng việc dành ra 3-5 % diện tích trồng lúa phục vụ cho giải pháp trên chắc chắn không làm giảm sản lượng lúa của vùng mà còn cải thiện và nâng cao hiệu quả nông học cũng như hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp. Mong rằng, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL phối hợp nghiên cứu, quy hoạch hợp lý cho đề xuất trên nhằm góp phần phòng tránh và ứng phó có hiệu quả với hạn hán và xâm mặn.
- Xin cảm ơn ông!