Văn hóa được quan tâm hơn rất nhiều
- Một trong những dấu ấn nổi bật nhất năm 2022 là việc triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, từng bước đưa văn hóa thấm sâu vào hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Chủ nhiệm đánh giá thế nào về điều này?
“Để phát triển văn hóa cần sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, địa phương. Mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hiện thật tốt chức trách, nhiệm vụ của mình thì mới có thể thực hiện được chủ trương lớn này”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
NGUYỄN ĐẮC VINH
- Chúng tôi nhận thấy, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức chủ động, tích cực thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa được tăng cường đáng kể, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi động hơn. Đặc biệt là nhiều địa phương đã theo mô hình của Trung ương tổ chức hội nghị văn hóa của tỉnh, tại đó đã rà soát chiến lược phát triển văn hóa của mình cũng như thảo luận nhiều nội dung, giải pháp quan trọng trong lĩnh vực văn hóa.
Văn hóa đã được quan tâm, nhưng thời gian qua được quan tâm hơn rất nhiều. Và đó là một việc tốt.
- Văn hóa rất cần thời gian, kiên trì, bền bỉ với những mục tiêu cốt lõi. Không thể nói vài tháng, vài năm, mà những chủ trương lớn về văn hóa phải mất nhiều năm mới có thể tạo ra kết quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, dễ nhận thấy nhất sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là nhận thức về văn hóa của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Hiện nay lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm đến phát triển văn hóa và vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Chính từ nhận thức này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực của văn hóa. Các hoạt động văn hóa được thực hiện bài bản, chất lượng và hiệu quả hơn. Từ đó người thụ hưởng - nhân dân - được hưởng lợi nhiều hơn.
Tập hợp trí tuệ, tâm huyết cho văn hóa
- Với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nghiên cứu, đề xuất những nội dung, giải pháp để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị. Chính từ chỉ đạo này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã nghiên cứu, rà soát và đề xuất tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Thành công nhất của Hội thảo Văn hóa 2022 là đã tập hợp được trí tuệ, tâm huyết của các cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực văn hóa, qua đó tích luỹ được những cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn rất quan trọng phục vụ quá trình đưa ra các quyết định quan trọng sau này liên quan đến chủ trương, đường lối phát triển văn hóa.
- Những gợi ý chính sách nào đáng chú ý từ Hội thảo, thưa Chủ nhiệm?
- Các tham luận và phát biểu tại Hội thảo khẳng định chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện cơ hội và thách thức, Hội thảo nhấn mạnh quan điểm "thể chế, chính sách phải kiến tạo để chấn hưng, phát triển văn hóa và thúc đẩy hội nhập quốc tế".
Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng, các chính sách về phát triển văn hóa có tác động tương hỗ, bổ sung cho nhau, vì thế cần được triển khai một cách đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất. 9 nhóm chính sách lớn và quan trọng đã được đề nghị tập trung nghiên cứu, thể chế hóa. Đó là: phát triển con người Việt Nam toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa, phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; và hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Rà soát thường xuyên, điều chỉnh kịp thời
- Có 7 nhóm nhiệm vụ cần làm ngay đã được Chủ tịch Quốc hội kết luận tại Hội nghị Văn hóa 2022. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ này như thế nào?
- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện các đề xuất, kiến nghị từ Hội thảo.
Trước hết, trên tinh thần từ sớm từ xa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đóng góp ý kiến, đồng hành với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình nghiên cứu xây dựng Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, bảo đảm các nội hàm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó có khung chính sách lớn bao gồm 9 nhóm chính sách đã được tổng kết tại Hội thảo.
Thứ hai, rà soát các nội dung về văn hóa trong hai Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai là xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo, nhất là các nội dung liên quan tới bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nông thôn, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để có điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
Thứ ba, từng bộ, ngành, khu vực đều đã có chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến văn hóa, như văn hóa học đường, văn hóa gia đình, văn hóa công sở, ngoại giao văn hóa... Ủy ban sẽ giám sát việc thực hiện các chương trình, đề án này, bảo đảm việc triển khai có hiệu quả.
Thứ tư, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cần có những công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Vì thế, ngay từ bây giờ phải có kế hoạch cụ thể với cơ chế, cách làm phù hợp thì mới có thể có được những công trình, tác phẩm lớn xứng tầm...
- Như Chủ nhiệm nói ở trên, văn hóa là lĩnh vực rộng và khó, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Làm thế nào để tiếp tục lan tỏa tinh thần từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo Văn hóa 2022, đem lại những giá trị lâu dài, thực chất?
- Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, khi Đảng đã ra Nghị quyết, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, hệ thống chính quyền các cấp là phải thể chế hóa. Hội thảo Văn hóa 2022 cũng bàn nhiều đến vấn đề thể chế, điều quan trọng bây giờ là phải hiện thực hóa thành hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tất cả các cấp có cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó phải có điều kiện bảo đảm, trong đó quan trọng nhất là nguồn nhân lực cũng như tài chính.
Tuy nhiên, chủ trương hay đến mấy cũng phải thường xuyên rà soát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh để nó luôn sát thực tiễn; đồng thời kiểm tra, giám sát để việc tổ chức thực hiện có nền nếp, bảo đảm chất lượng và thực chất.
- Xin cảm ơn Chủ nhiệm!
Nguyên Anh thực hiện