Dàn trải, thiếu liên kết
Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), để tận dụng và phát huy tối đa lợi thế cũng như cơ hội từ các hiệp định này mang lại, bên cạnh sự nỗ lực chủ động thích ứng, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường giữ vị trí quan trọng.
Muốn xúc tiến thương mại thành công, phải trả lời được câu hỏi sản phẩm có cạnh tranh được không? |
Nguồn: Báo Công thương |
Trên thực tế, cùng với Bộ Công thương, các địa phương cũng đã thực sự quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Theo đó, mỗi địa phương đều đưa ra mục tiêu, lộ trình thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa dựa trên lợi thế tiềm năng của mình. Nhờ vậy, hàng trăm dự án với số vốn hàng chục tỷ USD đã được ký kết. Đồng thời, các địa phương cũng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quảng bá hình ảnh, sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế với hàng nghìn sự kiện.
Nhìn chung, hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại đầu tư ngày càng đa dạng hơn về phương thức, phối hợp tổ chức; đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn trong chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm, qua đó chất lượng công tác xúc tiến được nâng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh Phạm Thiết Hòa thừa nhận, hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn dàn trải, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc tổ chức các cuộc khảo sát thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Việc chia sẻ thông tin thị trường nói chung và thông tin liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa các địa phương chưa mạnh mẽ, chưa kịp thời dẫn đến việc phối hợp hoạt động chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Ngoài ra, quy mô của đại bộ phận doanh nghiệp đang hoạt động là nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn nên không đủ khả năng tham gia các hoạt động xúc tiến. Tại một số địa phương, hàng năm phải xin chủ trương cho từng hoạt động xúc tiến hoặc thực hiện theo sự chỉ đạo, do vậy không thể xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng năm hoặc cho cả giai đoạn. Chính vì thế, tính chủ động trong công tác phối hợp với đối tác và các địa phương khác không cao, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài… Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả xúc tiến.
Sản phẩm có cạnh tranh được không?
Từ kinh nghiệm của địa phương, để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội Nguyễn Gia Phương, trước tiên, cần “luôn coi trọng công tác này”. Hà Nội đã thay đổi mô hình, phương thức quản lý, giao Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch là cơ quan đầu mối về xúc tiến. Đồng thời, thành phố đã ban hành các văn bản quy định hoạt động xúc tiến của thành phố, ưu tiên việc lồng ghép các hoạt động trong cùng một sự kiện. Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác, đổi mới phương thức kết nối cũng như hoạt động xuất khẩu thông qua các chương trình tuần hàng tại Nhật Bản, châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc. Song song với đó, Hà Nội cũng quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, năm 2018, thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 72 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 17,3 tỷ USD. Chỉ riêng quý I năm nay, thành phố thu hút 4,47 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên nhắc lại bài học kinh nghiệm khi đi xúc tiến tại Singapore từ khoảng chục năm trước. Theo đó, tại buổi xúc tiến có khoảng 200 doanh nghiệp tham dự. “Một số tập đoàn đã hỏi chúng tôi rằng muốn mua măng tây, vậy Lâm Đồng có thể sản xuất sản lượng bao nhiêu một tháng, chất lượng thế nào, giá cả ra sao, phương thức vận chuyển và thanh toán là gì, chúng tôi không trả lời được và đã phải nói nhiều lời xin lỗi với nhà đầu tư vì họ đến tham dự hội nghị mà không đạt được mong muốn”, ông Yên chia sẻ.
Từ bài học này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khi đi xúc tiến đầu tư thương mại, cần phải biết anh đang có mặt hàng gì, phương thức thanh toán, vận chuyển, năng suất bao nhiêu… “Nhà đầu tư luôn quan tâm 2 vấn đề. Thứ nhất là tất cả yếu tố đầu vào của sản phẩm ở địa phương có cạnh tranh được với địa phương khác và nước khác không? Thứ hai là thủ tục hành chính và những hỗ trợ của địa phương. Cho nên khi đi xúc tiến với các tập đoàn tại hội nghị trong và ngoài nước phải trả lời được hai yếu tố đó. Đồng thời, muốn kêu gọi nhà đầu tư thì địa phương cũng cần phải có dự án cụ thể. Nếu không, khi dự hội nghị xong ra về sẽ chỉ có tấm card visit mà thôi”, ông Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cũng cần khuyến khích xây dựng chiến lược theo dài hạn trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu khả năng của doanh nghiệp, nguồn lực, chiến lược ưu tiên của mỗi địa phương, đồng thời tăng cường thông tin trao đổi, phối hợp với các địa phương khác nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của nhau để thâm nhập thị trường lẫn nhau. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cải thiện liên kết mạng lưới xúc tiến thương mại giữa các địa phương, vùng miền, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử và các hình thức thương mại phi truyền thống là xu hướng của tương lai để đổi mới công tác xúc tiến thương mại hiệu quả.