Ba điểm mới nổi bật
Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy được nhiều đại biểu đánh giá là có nhiều điểm mới, trong đó có ba điểm mới nổi bật.
Một là, xác định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn gồm các loại, cấp độ quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về hệ thống pháp luật.
Hai là, tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo quy định hiện hành, Bộ Xây dựng lập quy hoạch đối với đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại 3 trở lên, thì lần này, dự án luật đã phân cấp cho UBND các cấp tổ chức lập.
Ba là, đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, đối với đô thị quy mô vừa và nhỏ (loại 3, 4, 5) sẽ không thực hiện lập quy hoạch phân khu, các nội dung yêu cầu của quy hoạch phân khu sẽ được kết hợp, lồng ghép trong nội dung của quy hoạch chung. Điều này dẫn tới đối với đô thị vừa và nhỏ chỉ có 2 cấp độ quy hoạch là quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, giảm thủ tục, giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư xây dựng.
Trao đổi với báo chí về dự luật, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, cả ba điểm mới này sẽ góp phần nâng cao được chất lương quy hoạch, khi gắn cơ quan, tổ chức lập quy hoạch, phê duyêt quy hoạch với việc tổ chức thực hiện quy hoạch; nâng cao được hiệu quả quy hoạch, bởi sẽ rút ngắn được thời gian từ công tác lập quy hoạch đến đầu tư xây dựng cơ bản. Trước đây, để triển khai một dự án phải có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì mới tổ chức thực hiện được dự án. Với việc giảm thời gian lập đồ án quy hoạch và giảm cấp độ lập quy hoạch sẽ rút ngắn được thời gian này.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, bày tỏ tán thành với mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Dự thảo Luật cũng được Ủy ban Kinh tế đánh giá là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Phát triển hài hòa, gắn kết giữa không gian đô thị với nông thôn
Khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, tại các phiên thảo luận tổ trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một đạo luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn. Đặc biệt, không còn chồng lấn các nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa hai vùng đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị với nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, của vùng và cả nước.
Nhấn mạnh một trong những nguyên lý là "làm gì cũng phải có quy hoạch, có chiến lược", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, quan trọng là cách thiết kế, tổ chức thực hiện các quy hoạch này như thế nào cho khoa học, mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, không bị chồng chéo và thuận lợi cả trong quản lý và quá trình tổ chức thực hiện, tránh tình trạng mất rất nhiều kinh phí, thời gian vào công tác quy hoạch, xin ý kiến các chuyên gia, các ngành, các cấp và Nhân dân về việc lập quy hoạch, nhưng hiệu quả thấp.
Đề cập về xây dựng quy hoạch nông thôn gắn với quy hoạch đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần quan tâm phát triển các quy hoạch đô thị nhỏ loại 4, loại 5 và các vùng ven đô, bảo đảm mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn rõ về chức năng nhưng không phá vỡ, hay tạo khoảng cách giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng, không vì đô thị hóa mà làm ảnh hưởng đến nông thôn - nơi giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam.
Cho rằng, dự thảo Luật đã cập nhật các xu hướng phát triển của đô thị mới, song ĐBQH, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng nêu rõ, vẫn còn nhiều mô hình đô thị mới như: khu đô thị công nghiệp dịch vụ, đô thị tri thức sáng tạo, đô thị đa trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị ga (gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - TOD)… Hay với quy hoạch nông thôn, hiện nay xuất hiện các xu hướng hình thành “làng trong phố”, đô thị xanh, đô thị sinh thái… Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nhằm quy định đầy đủ, chi tiết các xu hướng phát triển đô thị mới trong dự thảo Luật.
Lưu ý dự thảo Luật chưa đề cập đến quy định “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo” của nước ta, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng, “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” đã được quy định tại khoản 1, Điều 110, Hiến pháp năm 2013 và quy định tại khoản 4, Điều 2, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Về lãnh thổ, ngoài đất liền, nước ta còn là một quốc gia có nhiều đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận)… Trên các đảo này vừa có đô thị (thị trấn) vừa có nông thôn (huyện, xã) có các điều kiện đặc thù về địa lý, du lịch, tài nguyên thiên nhiên liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Do đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị, bổ sung loại hình “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo” vào hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị và 9 năm thi hành Luật Xây dựng đã cho thấy nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Việc tích hợp Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thành dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là cần thiết để giải quyết các bất cập của quy hoạch hiện nay. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, với các chính sách xác định hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch trong dự thảo Luật… đã giải quyết cơ bản được những vấn đề bất cập đang đặt ra trong quy hoạch hiện nay.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu lưu ý, đó là cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bám sát cách tiếp cận đa ngành, bao trùm và tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn chặt với quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.