Những "đầu tàu" mất động lực
Theo truyền thống, Pháp, Đức và Vương quốc Anh được coi là cường quốc hàng đầu, những "đầu tàu" của châu Âu. Tuy nhiên, những quốc gia này hiện phải vật lộn với tình trạng chính trị khó khăn trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức và sự không hài lòng của cử tri lan rộng. Những rắc rối trong nước mà các nhà lãnh đạo của ba nước phải đối mặt – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Keir Starmer – đủ nghiêm trọng để cản trở nỗ lực tạo dựng tên tuổi của họ trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng là thế lực thống trị chính trường châu Âu. Được bầu lần đầu tiên vào năm 2017 sau khi đánh bại hai đảng chính trị lớn của Pháp ở vòng đầu tiên và áp đảo chính trị gia cực hữu Marine Le Pen theo chủ nghĩa dân tộc ở vòng thứ hai với tỷ số khổng lồ 33 điểm phần trăm, chính trị gia trẻ tuổi Macron bước vào Điện Élysée với một danh sách dài những việc cần làm trong túi, trong đó một phần lớn là liên quan đến vấn đề quốc tế. Ông đặt mục tiêu không chỉ thể hiện sức mạnh của Pháp trên toàn thế giới và nâng tầm Paris lên vị trí lãnh đạo của Liên minh châu Âu mà còn cải cách toàn bộ phương thức vận hành của châu Âu trên phạm vi quốc tế. Ông muốn là người sẽ đánh thức châu Âu và phát biểu những điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu khác thậm chí không dám nói ra. Sự ủng hộ của ông cho quyền tự chủ chiến lược - nơi châu Âu sẽ phát triển sức mạnh quân sự, kinh tế và ngoại giao của mình một cách độc lập với Mỹ - là trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông. Tổng thống Pháp khẳng định châu Âu phải là cường quốc toàn cầu theo đúng nghĩa.
Tuy nhiên, vốn chính trị của ông Macron đã giảm đi đáng kể trong 7 năm qua. Cuộc bầu cử lập pháp Pháp mới đây cho thấy vị thế mong manh của người đứng đầu Điện Elysée, khi đảng trung dung của ông mất đa số trong Quốc hội vào tay liên minh cực tả. Cơ quan lập pháp của Pháp hiện bế tắc giữa ba khối cạnh tranh với những khác biệt sâu sắc về lập trường chính trị. Điều này có thể khiến ông Macron phải trải qua quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ hai trong tình trạng khó khăn khi khả năng điều hành bị suy yếu, không thể thúc đẩy những cải cách đầy tham vọng của mình.
Trong khi đó, ở nước Đức, nhiệm kỳ của Thủ tướng Olaf Scholz được đánh dấu bằng sự bất hòa nội bộ và sự không hài lòng của công chúng. Kể từ khi đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông giành được nhiều ghế nhất trong Hạ viện vào tháng 9.2021 và thành lập liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP), Scholz đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp, tranh cãi nội bộ về vấn đề viện trợ cho Ukraine. Bất chấp việc Đức tăng ngân sách quốc phòng đáng kể và đóng vai trò là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất châu Âu cho Ukraine, chính quyền của Thủ tướng Scholz vẫn phải vật lộn với sự gắn kết. Thỏa thuận ngân sách gần đây, trong đó yêu cầu cắt giảm chi tiêu ở nhiều bộ khác nhau, bao gồm cả Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh những thách thức mà ông Scholz phải đối mặt trong liên minh của mình. Sự bất hòa này đã cản trở những nỗ lực cải tổ cơ sở quốc phòng của Đức, một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.
Nhìn sang Vương quốc Anh, Thủ tướng Keir Starmer, người mới lên nắm quyền sau chiến thắng vang dội trước đảng Bảo thủ, đang loay hoay thành lập Chính phủ. Mặc dù Công đảng hiện kiểm soát Hạ viện với đa số áp đảo, ông Starmer vẫn chưa được thử thách trên trường quốc tế và chưa bao giờ phải điều hành bộ máy chính sách đối ngoại của xứ sở sương mù. Theo các nhà phân tích, quan hệ quốc tế sẽ là mối quan tâm ít nhất của ông. Thay vào đó, trọng tâm chính sẽ là các vấn đề trong nước, nhằm giải quyết những biến động kinh tế, lạm phát cao, khủng hoảng chi phí sinh hoạt và những thách thức hậu Brexit của Vương quốc Anh. Sự vỡ mộng của công chúng Anh đối với tầng lớp chính trị càng làm tăng thêm sự phức tạp cho nhiệm vụ của Thủ tướng Starmer. Mặc dù có tiềm năng lèo lái nước Anh hướng tới sự ổn định, nhưng việc thiếu kinh nghiệm quốc tế của ông đã để lại khoảng trống trong vai trò lãnh đạo châu Âu.
Sự trỗi dậy của Đông Âu
Giữa khoảng trống lãnh đạo ở Tây Âu, các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và các nước vùng Baltic (Latvia, Litva và Estonia), ngày càng có tiếng nói và chủ động hơn. Các quốc gia này đã có lập trường vững chắc liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Sự quyết đoán của họ đang định hình lại động lực quyền lực châu Âu, cho thấy sự thay đổi trong đó Đông Âu đóng vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề lục địa.
Châu Âu hiện đang ở ngã ba đường, thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ, gắn kết từng có dưới thời các nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn như cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Lục địa này hiện được đặc trưng bởi sự phân mảnh chính trị, chủ nghĩa dân túy đang gia tăng và các nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm hoặc liên minh chính trị mong manh. Khoảng trống lãnh đạo này đặt ra những thách thức đáng kể cho khả năng của châu Âu trong việc điều hướng các áp lực bên trong và bên ngoài một cách hiệu quả. Liệu các nhà lãnh đạo hiện tại có thể vượt qua các thử thách trong nước và đoàn kết lục địa già hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Và câu hỏi này sẽ tác động đáng kể đến tương lai của châu Âu.