Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như mức chênh lệch giữa nhóm 20% thu nhập cao nhất và nhóm 20% thu nhập thấp nhất trong năm 1995 là khoảng 7 lần thì nó đã tăng lên đến 9,2 lần trong năm 2010 (năm mới nhất có số liệu thống kê). Qua một thước đo khác, hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) cũng cho thấy xu hướng gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 1995 hệ số này của Việt Nam là 0,357 nhưng đã tăng lên đến 0,43 trong năm 2010.
Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo: từ hệ quả của sự thay đổi công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đến hậu quả của chính sách không phù hợp và sự lũng đoạn chính sách của các nhóm lợi ích. Với nước ta, bên cạnh những lý do đó, còn có thể thấy một số lý do đặc biệt khác, đó là: (1) tình trạng lạm phát cao trong những năm gần đây tạo nên khó khăn lớn cho người nghèo; (2) mức đầu tư công vào nông nghiệp, nông thôn thấp so với yêu cầu thực tế; (3) tình trạng mất đất canh tác của nông dân đã đẩy không ít người vào cuộc sống nghèo khó...
Hệ lụy từ sự phân hóa giàu - nghèo vô cùng lớn, là nguyên nhân chủ yếu gây nên bất ổn xã hội; làm ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; đưa đến bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến trong xã hội… Chính vì vây, việc thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo cần đặc biệt được quan tâm và có những giải pháp phù hợp để giải quyết, bên cạnh những vấn đề then chốt khác như cải cách thể chế kinh tế và đấu tranh với tham nhũng…
Hiện nay, người nghèo chủ yếu ở vùng nông thôn và miền núi. Do vậy, trước tiên cần điều chỉnh lại chiến lược đầu tư công, tập trung đầu tư vào khu vực này. Cụ thể, cần ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đầu tư về các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng việc cấp tín dụng để nông dân có thể vay vốn phát triển sản xuất. Tiến hành rà soát và điều chỉnh các chính sách đất đai; minh bạch, rạch ròi quy trình thu hồi để tránh thất thoát, lãng phí đất đai; tránh thu hồi đất canh tác tốt để phục vụ cho các chương trình đô thị hóa và xây dựng khu công nghiệp một cách ồ ạt, thiếu thận trọng.
Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận trong giảm nghèo; đổi mới phương thức, cách làm trong hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, để một số hộ không còn cảm thấy may mắn khi được đứng trong danh sách hộ nghèo; giảm các hỗ trợ “cho không”, gắn hỗ trợ với các điều kiện, từ đó xóa bỏ tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều quan trọng hơn là trao cơ hội cho người nghèo để họ vươn lên. Sự tham gia đầy đủ của người nghèo, đặc biệt là vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống và cộng đồng. Họ phải là trung tâm trong các chính sách và chiến lược nhằm xây dựng một tương lai bền vững.
Tại Kỳ họp thứ 10, QH đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với mục tiêu cụ thể: giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân từ 1,0% đến 1,5%/năm. Hy vọng từ việc thực hiện chương trình này, không chỉ số lượng hộ nghèo giảm mạnh mà khoảng cách giàu - nghèo ở nước ta ngày càng thu hẹp.