Năm Quý Mão 2023 tiếp tục chứng kiến một Quốc hội Việt Nam hoạt động với cường độ rất cao, khối lượng công việc rất lớn, với 5 kỳ họp, để tập trung giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách; tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; xung đột khu vực kéo dài, diễn biến rất phức tạp; những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước đã thu hẹp khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế, cộng với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, nên việc có những quyết sách đúng và trúng ở tầm vĩ mô là rất quan trọng.
Với 17 luật, 14 nghị quyết được thông qua sau nhiều phiên thảo luận với nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, tâm huyết, đầy trách nhiệm của các ĐBQH, cho thấy thể chế pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, theo sát với tình hình, điều kiện thực tế của đất nước; công khai, minh bạch, tiệm cận với thông lệ tốt của quốc tế; và mở ra nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó phải kể đến các luật kinh tế như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi). Cùng với đó là các nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; về áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024…
Hai dự án luật lớn, vô cùng quan trọng, điều chỉnh hai lĩnh vực đang trải qua những thay đổi sâu sắc trên thị trường trong quá trình phát triển là Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng chưa được thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV do còn một số ý kiến khác nhau, chưa cùng tìm ra được phương án tối ưu để thể hiện trong dự thảo luật. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã hết sức tích cực thúc đẩy để thông qua hai dự luật này trong Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.
Các hoạt động giám sát tối cao chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp quan trọng để đảm bảo tiến độ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng các chương trình mục tiêu quốc gia. Tất cả cho thấy, bên cạnh sự khẩn trương, quyết liệt trong kinh tế thì các vấn đề xã hội, phát triển công bằng cũng được Quốc hội đặc biệt quan tâm, coi đây là nền tảng của ổn định xã hội, ổn định dân cư, bảo đảm phúc lợi xã hội của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Bằng những hành động cụ thể đó mà một trong ba khâu đột phá mà nghị quyết của Đảng đã xác định là hoàn thiện thể chế đang được Quốc hội Khóa XV hiện thực hóa khi công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng đã tập trung vào những vấn đề cơ bản, cốt lõi để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn.
Thế giới đang thay đổi mạnh mẽ và tiến nhanh về phía trước trên nền tảng của những thành tựu khoa học, công nghệ vượt bậc được phát minh, sáng chế với tốc độ cấp số nhân nhờ Big Data, AI, IoT, Virtual Reality, Robotic Process Automation, Blockchain, Machine Learning, giao diện lập trình ứng dụng API, công nghệ nhận diện hình ảnh, điện toán đám mây, mã nguồn mở, nhà máy thông minh, lưu trữ năng lượng bằng hydrogen và amoniac xanh…
Việt Nam cũng đã chọn con đường chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững với kinh tế tuần hoàn, xanh, sạch. Việt Nam đã có nhiều tuyên bố và tham gia nhiều điều ước quốc tế về cam kết Zero khí thải hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Việc hiện thực hóa ba động lực mới này đang phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của thể chế, của khung khổ pháp luật. Đổi mới, sáng tạo luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro do quy định pháp luật lạc hậu, thiếu cập nhật, chậm sửa đổi, bổ sung. Thể chế được hoàn thiện kịp thời sẽ tạo động lực cho xã hội phát triển, hoạt động quản lý nhà nước hiệu quả, công khai, minh bạch, sát thực tế hơn. Câu chuyện lợi dụng kẽ hở của chính sách, pháp luật để tham ô, tham nhũng, trục lợi sẽ bị hạn chế. Xã hội sẽ trở nên văn minh, nhân văn, thân thiện hơn.
Ba trụ cột chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững cũng chính là động lực để ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu quốc gia với cơ cấu kinh tế, đầu tư hợp lý hơn. Từ đó thúc đẩy chất lượng hệ thống giáo dục, phát triển văn hóa, hướng tới một xã hội hòa đồng hơn.
Suy cho cùng, hoàn thiện thể chế là cơ sở quan trọng để tiếp tục thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư xã hội vào sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gia tăng các yếu tố năng suất tổng hợp, để cuối cùng dẫn tới tăng năng suất lao động của quốc gia để nước ta thoát bẫy thu nhập trung bình, để hóa Rồng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước 2045. Bởi vì, theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) năm 2022[1], mức năng suất lao động trung bình của Việt Nam còn khá thấp so với khu vực và cách rất xa so với các quốc gia phát triển. Còn theo statistics.com thì năng suất lao động của Việt Nam mới đạt khoảng 188 triệu đồng/lao động/năm[2], tăng 10% so với năm 2021. Báo cáo tại Diễn đàn Năng suất quốc gia 2023 cho thấy, mức năng suất lao động hiện nay của nhiều nước châu Á so với lịch sử tăng trưởng năng suất lao động của Nhật Bản (tính theo sức mua tương đương PPP năm 2017) chỉ bằng năng suất lao động khoảng năm 1960 của Nhật Bản.
Vậy nên, trong năm mới Giáp Thìn, năm con Rồng, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính sách, pháp luật tiếp tục được Quốc hội tập trung đổi mới, hoàn thiện để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Trung ương; quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội Khóa XV. Để từ đó kiến tạo môi trường đầu tư ngày một thuận lợi hơn, khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong nước phát huy những động lực mới của nền kinh tế như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen, amoniac xanh…
Với niềm tin tưởng và kỳ vọng đó, đồng bào, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp nước nhà sẽ vui Xuân, đón Tết thật đầm ấm, vững tin bước vào năm mới Giáp Thìn với những thành công rực rỡ hơn.