Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
- Nhìn lại năm 2022 đầy những khó khăn, thử thách, nhưng BHXH tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực, quyết tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao vị thế của ngành BHXH. Xin ông chia sẻ về những dấu ấn của ngành BHXH tỉnh đã đạt được?
- Năm qua, vượt lên những khó khăn, thách thức, toàn ngành đã nỗ lực thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Tính đến tháng 12.2022, toàn tỉnh có 2.705.854 người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, về BHXH có 808.019 người tham gia, tăng 24.170 người (3,1%) so với cuối năm 2021; về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có 790.453 người tham gia tăng 24.101 người (3,1%) so với năm 2021; về BHXH tự nguyện có 12.203 người tham gia, tăng 0,3% so với năm 2021. Trong năm, toàn ngành thu trên 23.849 tỷ đồng, đạt 100,2% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Nợ BHXH, BHYT, BHTN 528,747 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,2% so với số phải thu. Công tác giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHTN kịp thời, đầy đủ và đúng quy định.
Với phương châm “Thuận lợi - Trách nhiệm - Chính xác - Hiệu quả”, BHXH tỉnh đã chủ động bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên như bảo đảm chi trả các chế độ BHXH, BHYT đúng, đủ, linh hoạt; khuyến khích người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân.
Đặc biệt, BHXH tỉnh đã phối hợp triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Tính đến 12.12.2022, toàn tỉnh đã có 228/242 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt tỷ lệ 94% tổng số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên toàn tỉnh), với 111.698 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Số lượng số ĐDCN/CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám bệnh, chữa bệnh bằng CCCD toàn tỉnh là 1.631.519 người…
Nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai Đề án 06, BHXH tỉnh đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức; xuất dữ liệu người tham gia cần cập nhật số định danh cá nhân/căn cước công dân gửi cho đơn vị sử dụng lao động để phối hợp bổ sung, cập nhật. Đồng thời, truyền thông rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo, qua hệ thống loa phát thanh cơ sở tại xã, phường, thị trấn… để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất các nội dung có liên quan. Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong tỉnh triển khai thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip.
- Trước xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ngành BHXH tỉnh đã có những việc làm cụ thể như thế nào để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới xây dựng thành công bảo hiểm xã hội số, thưa ông?
- Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ tại địa phương. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; chú trọng triển khai ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động, cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tính đến 15.12.2022, BHXH tỉnh đã cài đặt và đăng ký tài khoản ứng dụng VssID cho gần 785.903 người tham gia…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của BHXH tỉnh đều được thực hiện trên phần mềm, giúp công tác quản lý, thống kê, báo cáo được chính xác và kịp thời, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt được các khâu trung gian, các hoạt động nghiệp vụ trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH; triển khai phần mềm giám định BHYT, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân và quản lý quỹ BHYT đạt hiệu quả; 100% các đơn vị sử dụng lao động và cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đều thực hiện giao dịch điện tử.
Ngoài tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT thông qua các cơ quan báo chí, BHXH tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chế độ, chính sách BHXH, BHYT qua 3 kênh: Zalo, fanpage và website của BHXH tỉnh; tổ chức chương trình livestream các chính sách BHXH, BHYT trên trang fanpage thu hút nhiều người xem. Thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet, người dân, người lao động có thể tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT, BHTN mọi lúc, mọi nơi.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
- Có thể nói, những dấu ấn đạt được của năm 2022 là rất nổi bật. Vậy trong năm 2023, ngành BHXH Đồng Nai sẽ hướng tới những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như thế nào để phát triển người tham gia, thưa ông?
- Theo Quyết định số 3438/QĐ-UBND ngày 12.12.2022 của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có 3 chỉ tiêu kế hoạch cần đặc biệt chú ý là tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93%; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH đạt 54%, tham gia BHTN đạt 49,5%. Bên cạnh đó, theo Kế hoạch số 272/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 19.5.2022 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; năm 2023, đối tượng thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc là 1.096.595 người; đối tượng phải tham gia BHXH tự nguyện là 181.746 người; đối tượng phải tham gia BHTN là 877.514 người…
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi BHXH tỉnh nỗ lực hơn nữa, đổi mới hơn nữa và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong tổ chức, điều hành. Với quan điểm xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", ngành BHXH luôn nỗ lực bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng.
Rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm
- Năm nay, dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những thời cơ, thách thức đan xen, tác động tới đời sống của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Xin ông cho biết, BHXH tỉnh sẽ tập trung triển khai những giải pháp nào để biến khó khăn thành động lực vươn lên?
- Năm 2023, BHXH tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương. Thực hiện phân công, phân nhiệm bảo đảm nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm"; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, chỉ đạo cơ quan BHXH các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trên địa bàn tỉnh để đôn đốc, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ cho người lao động. Chú trọng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp cố tình không đóng, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN…
Thứ ba, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền chế độ chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số…
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, bảo đảm việc giải quyết các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH.
Thứ năm, thực hiện đúng chế độ, chính sách về BHXH bảo đảm quyền lợi của người tham gia; xây dựng kế hoạch, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; khuyến khích các địa phương vận động phát triển người tham gia. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ người thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ…
- Xin cảm ơn ông!