Thế giới “hạ cánh mềm”, Việt Nam ngược sóng cả
Năm 2023 vừa qua là năm có nhiều cơn sóng lớn nhỏ mà cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung phải đối mặt và vượt qua.
Trên thế giới, những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát và suy thoái tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn. Thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi. Áp lực nợ xấu gia tăng; tăng trưởng, xuất khẩu chưa thể bứt phá so với trước.
Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công có tăng, nhưng nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì không đạt và dư địa khu vực này còn rất lớn. Cải cách về thể chế, những khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật và sự quyết liệt trong thực thi ở cấp địa phương và ngành vẫn là điểm mấu chốt.
Có thể nói, kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu trong năm 2023 (đạt 5,05%) và số doanh nghiệp thành lập mới đạt con số rất cao, gần 160.000 doanh nghiệp (tăng 7,2% so với năm 2022) chính là nhờ những chính sách quyết liệt, sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều chỉnh kịp thời của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Các nhà quan sát có chung nhận xét rằng Việt Nam đã vượt qua rủi ro suy thoái và tạo được những tiền đề tốt cho năm 2024 với sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ được kiểm soát linh hoạt và dòng tín dụng được đẩy vào thị trường với mức lãi suất tốt hơn nhiều sau vài điểm nghẽn tạm thời cuối 2022.
Bước vào 2024, các chuyên gia dự báo vẫn còn nhiều biến số từ thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam. Diễn biến phức tạp của sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2024 sẽ tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực. Ngay đầu năm, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng, cộng với việc khối BRICS mở rộng và kết nạp thêm 6 thành viên. Các biến số này có thể là tích cực hay ngược lại, nhưng đều cần sự quan sát, đánh giá và thích nghi.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn nhưng điều tồi tệ nhất được các nhà phân tích kinh tế thế giới nhận định là đã qua và các trở lực dự kiến sẽ giảm, kịch bản “hạ cánh mềm” ở Mỹ và châu Âu đã trở nên rõ nét hơn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho toàn cầu trong năm tới, với sự trỗi dậy của Ấn Độ và kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng cao ở Việt Nam, Trung Quốc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế, cả 3 mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm tới. Các yếu tố nội tại dường như sẽ tạo được động lực riêng và mở rộng thêm dư địa tăng trưởng cho Việt Nam. Giải ngân nguồn vốn công đã bắt đầu vào guồng, nguồn tín dụng giá rẻ dồi dào đã có dấu hiệu ngấm vào doanh nghiệp. Tâm lý muốn hành động sau 2 năm chống chịu đã hiện rõ trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Chỉ cần thêm chất xúc tác từ tốc độ phê duyệt của cơ quan nhà nước, sự bật dậy từ "thế chân tường" của các doanh nghiệp là điều có thể dự báo dễ dàng.
Sẽ không phổ biến tâm lý cầm chừng, chờ đợi
Trước Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra sôi động trong năm qua, nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
Trong suốt năm 2023, Chính phủ đã liên tiếp ban hành những chính sách cải thiện môi trường đầu tư, giảm thủ tục hành chính phiền hà; hỗ trợ người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm lãi suất, giảm thuế, phí… Riêng tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ về thuế năm 2023 đã lên tới 165.026 tỷ đồng. Một số giải pháp sẽ tiếp tục được áp dụng cho nửa đầu 2024 theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội, vừa ban hành cuối năm qua.
Ngay đầu năm 2024, Chính phủ cũng vừa ký Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, với những mục tiêu và bộ giải pháp rất cụ thể trong cả ngắn và dài hạn, như phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc…
Bên cạnh những hỗ trợ kịp thời, quyết liệt từ các chính sách, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cũng đang đứng trước những cơ hội mới. Đó là cơ hội đón đầu xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Nhật Bản… Cùng với đó là cơ hội từ làn sóng đầu tư FDI lần thứ tư - sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, từ thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc…
Nền tảng vĩ mô, quản trị rủi ro đã được tích lũy tốt lên, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn, lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi… cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có thể khẳng định, những quyết sách và những cơ hội thuận lợi trên chính là động lực để các doanh nghiệp hành động và bứt phá. Cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tận dụng cơ hội để tái cơ cấu, trụ vững và phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp sau. Cho dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng sẽ không phổ biến tâm lý cầm chừng, chờ đợi trong đội ngũ doanh nhân.
Cùng hành động!
Để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đặc biệt là hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức hiện nay, cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải cách thể chế, tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp. Sự quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế đã tạo những dấu ấn và tiền đề rõ nét. Nhưng doanh nhân và nền kinh tế cũng cần những nỗ lực đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nền lãi suất hợp lý và điều tiết vốn hiệu quả, cũng như điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, là đường băng cho nền kinh tế trong bối cảnh các doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay.
Việc đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công đã được nhìn thấy từ nửa cuối năm 2023 cần được tiếp tục duy trì; song song với việc tập trung vốn cho các dự án lớn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác để các dự án đầu tư công trở thành nền móng lâu dài cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tháo gỡ nút thắt khâu phê duyệt cho các dự án bất động sản đủ điều kiện cũng là đòi hỏi bức thiết đối với các địa phương, để cải thiện nguồn cung nhà ở cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, vốn đã chờ đợi và xoay xở trong 2 năm qua.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động chính là giải pháp giúp họ vượt qua khó khăn, tăng tính cạnh tranh. Trong đó, sản xuất xanh sẽ là xu thế chủ đạo trong cam kết “Net Zero” mà Việt Nam đã tham gia, và Hội nghị Khí hậu toàn cầu (COP 29) diễn ra vào cuối năm nay chắc chắn sẽ nhấn mạnh.
Với tinh thần dấn thân của những chiến binh, tin rằng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tận dụng được những thời cơ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2024, góp phần quan trọng vào xây dựng đất nước cường thịnh!