“Không nên đo khó khăn, hãy đo cơ hội!”
- Thời gian qua, Central Retail -sở hữu đại siêu thị GO! - không ngừng mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Kế hoạch của Tập đoàn tại Việt Nam trong 5 năm tới là gì, thưa ông?
- Sau hơn 10 năm chính thức đầu tư vào Việt Nam, Central Retail nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển kinh doanh mạnh mẽ.
Trong 5 năm tới (2022 - 2026), Central Retail Việt Nam sẽ đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng hướng đến 4 mục tiêu, bao gồm: trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại tại Việt Nam; thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 65.000 tỷ đồng; tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15%; phát triển mở rộng trên 55/63 tỉnh thành Việt Nam.
Central Retail cũng hướng đến 3 chiến lược mũi nhọn đồng nhất với chiến lược kinh doanh CRC Retailligence để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, bao gồm: mở rộng và củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi; mở rộng sự hiện diện trong danh mục thực phẩm; chuyển đổi và nâng cấp các trung tâm thương mại GO!; ra mắt các sản phẩm thương hiệu riêng phục vụ khách hàng với tiêu chí giá tốt đi đôi với chất lượng; phát triển các dự án phức hợp để củng cố danh mục bất động sản.
Tập đoàn cũng hướng đến mục tiêu nắm bắt các cơ hội mua bán và sáp nhập để tăng tốc mở rộng kinh doanh, nhìn nhận Việt Nam là địa điểm chiến lược quan trọng để cung cấp nguyên liệu và sản phẩm cho Central Retail tại Thái Lan.
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, cơ hội và cả khó khăn, thách thức của thị trường Việt Nam?
- Tôi nghĩ không nên đo khó khăn mà phải đo cơ hội! Trong bất cứ khó khăn, thách thức nào cũng có cơ hội.
Central Retail hiểu rất rõ nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chủ lực của Việt Nam. Việt Nam có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc sản vùng miền, đa dạng về sản vật từ Nam ra Bắc và thay đổi theo mùa. Nhu cầu tiêu dùng ở Việt Nam đối với các mặt hàng tươi sống, sản vật từ đất trời, từ biển cả rất lớn.
Đặc biệt, trong từng sản phẩm đều có cơ hội, nhất là khi gắn với chế biến và nhu cầu người tiêu dùng! Ví dụ, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hàng chục quốc gia trên thế giới nhưng chiếm thị phần rất khiêm tốn! Muốn cải thiện, mình đừng bán cà phê sữa đá, phải xem người nước ngoài uống cái gì, phần nhiều họ uống espresso (cà phê xay mịn, pha bằng máy).
Đó cũng là lý do Tập đoàn Central Retail tổ chức cuộc thi Vietpresso. Ở cuộc thi này, 15 doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu là cà phê hoàn toàn từ Việt Nam để pha chế ra những ly cà phê Espresso theo công thức riêng của thương hiệu mình; từ đó tìm ra ly cà phê thơm ngon nhất để quảng bá ra thế giới.
Mình có hạt, phải biết rang, xay, bán espresso, bán cà phê hòa tan, bán cà phê Việt Nam, mở quán cà phê Việt Nam, cold brew... Khi đi đúng hướng thì trên các kệ cà phê châu Âu sẽ có cà phê Việt Nam. Còn ở Việt Nam, có thể có cuộc thi “Morning Vietpresso” vì thói quen người Việt dậy rất sớm và uống cà phê sáng.
“Đi cùng nhau, mình sẽ làm được!”
- Câu chuyện về cơ hội mà ông vừa đề cập đều liên quan đến kỹ năng bán hàng. Hàm ý của ông là gì?
Sau 10 năm chính thức đầu tư vào Việt Nam, tăng trưởng doanh thu mảng bán lẻ thực phẩm của Tập đoàn Central Retail đã tăng vọt qua từng năm và đã đạt tổng hơn 25.000 tỷ đồng), chiếm 22% tổng doanh thu của Central Retail, đưa Việt Nam trở thành thị trường trọng điểm của tập đoàn này.
Hiện Central Retail là nhà bán lẻ chiếm thị phần cao nhất trong mảng đại siêu thị, nắm giữ 62% thị phần ở phân khúc này tại Việt Nam. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng trong mảng kinh doanh phi thực phẩm và trung tâm thương mại/bất động sản được xem là trọng tâm chính giúp Central Retail được công nhận là doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
- Tôi trở về làm việc với Việt Nam đã hơn 20 năm và đã đi rất nhiều địa phương như Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… Tôi nhận thấy hạn chế lớn nhất là nông dân Việt Nam chưa biết cách bán hàng; chưa quan tâm làm nhãn hiệu, thương hiệu; đầu tư cho bao bì cũng rất sơ sài.
Theo tôi, nông dân và cả doanh nghiệp nên tìm hiểu, nhìn vào nhu cầu của người tiêu dùng khi sản xuất và cả khi bán hàng. Sản phẩm từ đầu vụ đến cuối vụ chất lượng đồng đều, ngon như nhau thì mới dễ vào kênh siêu thị. Để trở thành đối tác của siêu thị với sản lượng tiêu thụ tăng đều hàng năm, nông dân phải bảo đảm là dù người mua có nhắm mắt chọn thì sản phẩm của họ vẫn ngon. Và khi nông dân chắc chắn là sản phẩm của mình ngon thì đừng quên đầu tư bao bì, nhãn hiệu.
Đặc biệt, mỗi sản phẩm cần có một câu chuyện - từ nguồn gốc, cách làm, cho đến tình yêu với sản phẩm để kể với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như vậy chắc chắn sẽ bán được hàng.
Ngoài ra, trước khi sản xuất, nông dân cũng phải xác định rõ sản phẩm thế mạnh, mục tiêu sẽ bán cho rất nhiều người hay chỉ bán cho số ít. Tôi lấy ví dụ, hiện ai cũng nói sản phẩm organic. Bản thân bạn phải tự hỏi trong 20 người thân quen nhất của bạn hiện ai là người mua sản phẩm này để có câu trả lời trước khi quyết định đầu tư.
Làm được những điều đó, tôi tin chắc rằng nông sản Việt sẽ có chỗ đứng và tạo dựng được danh tiếng trên thị trường quốc tế.
- Là lãnh đạo Tập đoàn Central Retail, đồng thời là người gốc Việt, ông mong muốn mang lại điều gì cho quê hương thông qua việc phát triển nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh, xây dựng thêm trung tâm thương mại tại Việt Nam...?
- Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, tầm nhìn của Tập đoàn Central Retail là phát triển cùng Việt Nam, bằng cách hợp tác và hỗ trợ sản phẩm Việt, thương hiệu Việt và các nhà cung cấp Việt Nam.
Tỷ lệ hàng Việt luôn ở mức 90% tại các đại siêu thị của Central Retail. Mục tiêu của Tập đoàn rất rõ ràng, đó là cùng với các nhà cung cấp Việt Nam, xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, dành cho người Việt Nam; đồng thời đóng góp giúp cho nông sản Việt vươn ra thế giới.
Tôi là người gốc Việt nhưng vì ba tôi là bác sĩ của Liên Hợp Quốc nên từ lúc 3 tuổi, tôi đã theo gia đình đi và sống ở nhiều nước trên thế giới. Khi 32 tuổi (năm 1994 - PV), tôi về Việt Nam để tìm hiểu về cội nguồn của mình và từ đó tôi hiểu tình yêu của mình với con người và đất nước này. Tôi biết rất rõ ai là người giỏi nhất về rau, quả ở Việt Nam. Bản thân tôi cũng hiểu rõ về sản phẩm mình bán trước khi giới thiệu với người mua, từ khâu cây giống, vùng đất nào phù hợp, quy trình sản xuất đến đóng gói, bảo quản…
Về mặt cá nhân, tôi mong muốn đưa các sản phẩm tốt nhất của Việt Nam và thương hiệu Việt Nam ra thế giới! Tập đoàn Central hiện có rất nhiều chuỗi siêu thị như GO!, Big C, LanChi Mart… Cơ hội bán hàng Việt Nam, quảng bá hàng Việt Nam vì thế rất nhiều, rất lớn! Hãy đi cùng nhau và mình sẽ làm được, tôi có niềm tin vững chắc như vậy!
- Xin cảm ơn ông!