Bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo
- Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng động lực tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ, tài nguyên và vốn của Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới vừa qua đã tới giới hạn. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới vừa qua chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn và lao động giá rẻ. Điều này chỉ phù hợp với xuất phát điểm ban đầu khi đất nước nghèo nàn, lạc hậu, trông chờ vào khai thác tài nguyên và sức lao động sẵn có của con người.
Tài nguyên không phải là vô hạn mà dần sẽ cạn kiệt, thêm vào đó yêu cầu phát triển bền vững không cho phép khai thác mãi tài nguyên mà phải tìm các nguồn thay thế mới dựa vào sức sáng tạo.
Tăng trưởng dựa vào nguồn nhân lực giá rẻ để thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã mang lại thành công trong việc tạo việc làm cho người lao động chủ yếu thông qua các hoạt động sản xuất gia công, lắp ráp. Các công đoạn gia công, lắp ráp, tiêu tốn nhiều công sức nhưng tạo ra giá trị gia tăng rất thấp vì đó là các công đoạn nằm ở đáy "đường cong nụ cười" trong chuỗi giá trị. Đây chính là lý do tại sao người lao động Việt Nam cần cù chịu khó, nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Nếu cứ dựa vào khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn và sử dụng lao động giá rẻ, thì cứ mãi dừng lại ở đáy “đường cong nụ cười”, đó chính là nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” mà nhiều nước trên thế giới chưa thoát ra được.
Do vậy muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tìm động lực tăng trưởng mới.
- Theo ông, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ là gì?
- Đổi mới sáng tạo chính là động lực tăng trưởng mới. Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình phải vượt lên khỏi đáy "đường cong nụ cười" để đảm nhận các khâu có giá trị gia tăng cao từ thiết kế ý tưởng đến tạo dựng sản phẩm, sản xuất, tiêu thụ đưa đến tay người tiêu dùng. Như vậy muốn vượt lên để đảm nhận những khâu có giá trị gia tăng cao thì tất yếu phải dựa vào đổi mới, sáng tạo. Nhưng đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ đâu và từ những trụ cột nào?
Chúng ta biết rằng, bất cứ cái mới nào xuất hiện, chưa được trải nghiệm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất có thể thất bại. Nếu cơ chế quản lý không chấp nhận thất bại, làm những người hành động sợ rủi ro, thì điều đó đồng nghĩa với triệt tiêu đổi mới, sáng tạo. Chỉ khi cơ chế quản lý chấp nhận rủi ro và khuyến khích cho đổi mới sáng tạo, thì mới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để mở đường cho phát triển.
Chính vì thế tôi cho rằng muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển thì trước hết phải bắt đầu từ đổi mới, sáng tạo trong cơ chế quản lý. Cơ chế quản lý phải đóng vai trò mở đường, “bà đỡ” cho đổi mới sáng tạo phát triển.
Lịch sử cho thấy các công cuộc đổi mới cơ chế quản lý, tạo nên những bước ngoặt trong phát triển của Việt Nam đều xuất phát từ những cá nhân sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám “vượt rào” để đưa ra cách làm mới là tiền đề cho thay đổi, phá bỏ cơ chế cũ để hình thành cơ chế quản lý mới.
Sự ra đời của Nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là Khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, đã tạo ra sự thay đổi thần kỳ, đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn, phải đi xin viện trợ lương thực trở thành cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cơ chế “Khoán 10” ra đời từ sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc dám “vượt rào” cho phép “khoán chui tới hộ” trong phát triển nông nghiệp.
Như vậy, muốn đổi mới sáng tạo để đột phá cho phát triển thì phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ, mở đường cho những người dám nghĩ, dám làm, chứ không thể ngồi chờ sự tự phát “vượt rào” để tìm ra cơ chế mới.
Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" là một chủ trương lớn, kịp thời có ý nghĩa khơi nguồn sáng tạo đồng thời cũng chỉ ra sự cấp thiết hình thành cơ chế để bảo vệ những người "Dám đột phá, dám nghĩ, dám làm".
- Đó là một chủ trương lớn và kịp thời, nhưng theo ông cần cụ thể hóa chủ trương đó thành thể chế như thế nào để thúc đẩy đổi mới sáng tạo?
- Tôi cho rằng đây mới là chủ trương, đường hướng chứ chưa hình thành cơ chế, chưa có khuôn khổ pháp lý để làm cơ sở hành động và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Theo cơ chế hiện hành cán bộ, công chức và những chủ thể quản lý nhà nước chỉ được làm những điều luật pháp đã quy định. Làm theo những cái đã quy định và ai cũng phải làm như thế thì không thể là mới và càng không phải sáng tạo. Ngược lại nếu sáng tạo, đổi mới làm khác đi so với những cái đã quy định thì đương nhiên sai, là vi phạm quy định.
Cơ chế quản lý hiện hành buộc cán bộ phải tuân thủ chấp hành, làm đúng quy trình, quy định. Nếu đổi mới, sáng tạo tức là sẽ làm khác so với quy trình, quy định thì đương nhiên khi bị thanh tra, kiểm tra sẽ rơi vào tình trạng vi phạm quy định của Nhà nước.
Bản chất của đổi mới sáng tạo là làm những cái mới, theo những cách làm mới có thể chưa từng xuất hiện và không nằm trong “vòng” quy định.
Như vậy, để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo thì phải có cơ chế cho phép và công nhận những cách làm mới, những sáng tạo chưa có trong quy định; phải bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo tinh thần Kết luận 14-KL/TW.
Muốn vậy cơ chế quản lý phải hướng vào các tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra: nếu kết quả đầu ra tốt thì dù có không tuân thủ chấp hành, bỏ các quy trình, quy định thì vẫn phải được ghi nhận và đánh giá tốt. Cơ chế quản lý phải cho phép các nhà quản lý được quyền lựa chọn hành động theo hướng đổi mới, sáng tạo đột phá những hướng đi mới trên cơ sở thực hiện công khai, minh bạch cách làm mới và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả công việc.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động
- Năm 2023 được đánh giá nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong “nguy” có “cơ” và người Việt Nam vẫn có tư duy “cái khó ló cái khôn”. Theo ông, Nhà nước và doanh nghiệp cần đổi mới gì để có thể vượt qua thách thức và phát triển?
- Năm 2023 được dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái do tác động kép từ hậu quả của đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị kéo theo các xung đột về kinh tế. Thị trường tiêu thụ thế giới sụt giảm sẽ thu hẹp các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu - đang là trụ cột tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nguồn lực nội tại của doanh nghiệp rất khó khăn do trải qua hai năm đại dịch đã suy kiệt, cộng thêm nghĩa vụ trả nợ các khoản vay, các nghĩa vụ đóng góp đã được giãn, hoãn các năm trước dồn lại, cũng như trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ hạn thanh toán.
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định đã tạo môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vốn mở rộng sản xuất. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại lớn, là điều kiện thuận lợi để hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận đa dạng thị trường, bù lại cho phần sụt giảm ở các thị trường truyền thống. Trung Quốc khi thay đổi chiến lược zero Covid sẽ mở ra cơ hội khôi phục thị trường hàng hóa và du lịch trong năm tới.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân có mức tiêu dùng đang phục hồi rất nhanh sau đại dịch sẽ là bệ đỡ rất tốt trong tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp. Nợ công của Việt Nam đang duy trì ở mức khá thấp so với trần nợ công, thu ngân sách năm 2022 vượt xa so với dự toán, là dư địa tốt cho thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng trong việc tạo nguồn lực đẩy mạnh đầu tư công để kích cầu và tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!