Tác động rất sâu và rất lâu
- Gần 20 năm trước (năm 2007), ông xuất bản cuốn “Nói chuyện làm ăn”, ghi lại những suy nghĩ về chuyện làm ăn của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân thời kỳ đất nước chuyển mình hội nhập từ những năm đầu thập niên 1990 vào vận hội mới. Nếu nói chuyện làm ăn hiện nay, theo ông, bối cảnh đó được phác họa như thế nào?
“Phải quyết liệt tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người dân. Người dân sẵn sàng tin, muốn tin để đầu tư mà không dám đầu tư thì đó là lãng phí rất lớn cho xã hội”.
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương
- 20 năm mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Đây đang là giai đoạn hiếm có trong lịch sử khi nhiều tai vạ ập đến cùng lúc. Thứ nhất, chu kỳ kinh tế bắt đầu đi vào giai đoạn suy thoái từ năm 2019, đi kèm nguy cơ sụp đổ của xu hướng toàn cầu hóa, thế giới phân cực, làm hiệu suất kinh tế nói chung bị giảm, giá thành sản phẩm tăng.
Thứ hai, năm 2020 đại dịch Covid-19 xảy đến, bản thân nền kinh tế đã yếu, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động sản xuất ngừng trệ.
Thứ ba, chiến tranh Nga - Ukraine như giọt nước tràn ly, làm đảo lộn trật tự thế giới, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch từ trật tự thế giới cũ sang mới. Năm 2023 qua chiến tranh lại bùng nổ rất phức tạp ở Trung Đông.
Những gì đang xảy ra nghiêm trọng gấp nhiều lần so với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997 - 1999 hay khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007 - 2008. Bởi nó không chỉ từ chu kỳ kinh tế thế giới mà còn từ những tranh chấp địa chính trị phức tạp có tính lịch sử, có thể định hình lại mô hình chính trị, kinh doanh, thương mại toàn cầu - từ sân chơi, luật chơi đến người chơi. 5 năm nữa sẽ thấy một thế giới rất khác thế giới hôm nay.
- Bối cảnh thế giới như ông vừa phân tích tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam?
- Đây là một cuộc khủng hoảng với hàng chục biến số chưa có cách giải và chưa ai có khả năng thấy được “đáy” của nó chứ đừng nói đến việc dự đoán khi nào sẽ ra khỏi “đáy”. Tình hình khó khăn vì vậy sẽ dai dẳng cả chục năm chưa chắc đã kết thúc để trở lại bình thường mới. Thậm chí, sau đó, hệ quả mà nó để lại cũng sẽ vô cùng nặng nề, khó khắc phục.
Tất cả những vấn đề này đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế Việt Nam vì đã rất “mở”. Kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào vòng ngoài của cơn bão ấy. Bởi các bạn hàng lớn của chúng ta không làm ăn được thì cũng sẽ không đặt hàng. Năm vừa qua đã thấy mức sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước giảm 40 - 60%. Tôi muốn nhấn mạnh, nguyên nhân chính của suy thoái lần này xuất phát từ địa chính trị. Chiến tranh giữa Nga và Ukraine không thể được giải quyết nay mai, mà nếu có giải quyết xong thì hậu quả, dư âm của nó còn lớn lắm. Chiến tranh ở Trung Đông mới đây làm tình hình càng phức tạp hơn.
Thế giới từ đơn cực với Hoa Kỳ là độc tôn trong 30 năm qua từ khi “Chiến tranh lạnh” chấm dứt đầu thập niên 1990, sang đa cực. Khi đã đa cực thì thế giới sẽ mất đi cái lợi của sản xuất tập trung theo lợi thế cạnh tranh tương đối của mỗi nước (ai có lợi thế làm gì thuận tay, có giá thành cạnh tranh thì làm). Do vậy, mặt bằng chung của giá thành sản xuất sẽ tăng.
- Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp Việt Nam, ông nhận thấy họ đã ý thức được những khó khăn mà bối cảnh thế giới mang lại như ông vừa phân tích chưa?
- Tôi e là chưa. Nhiều chủ doanh nghiệp hỏi tôi 1 - 2 năm nữa kinh tế thế giới đã hồi phục chưa. Sẽ có những phân khúc thị trường hồi phục nhanh hơn nhưng nền kinh tế nói chung chắc chắn là chưa. 3 - 5 năm nữa khủng hoảng kinh tế mới đụng đáy mà đáy lần này hình chữ U dài chứ không phải chữ V, khi hồi phục cũng từ từ. Phải khoảng 10 năm nữa, thậm chí hơn, chúng ta mới thấy kinh tế thế giới trở lại mức như năm 2018 - 2019.
Tôi mong các doanh nghiệp ý thức được rằng cuộc suy thoái này sẽ rất sâu và rất lâu. Nghĩa là doanh nghiệp phải làm bài toán ngược, xem mình có triển vọng nên trụ đợi bình minh hay không, nếu trụ thì có chiến lược để tránh hụt hơi gãy gánh nửa đường; đồng thời dự đoán thế giới tương lai có chỗ cho mình không hoặc mình có phù hợp với thế giới đó không. Nếu không có chỗ cho mình thì nên nhanh chóng cắt lỗ bây giờ rồi “ngủ đông”, chờ thời cơ mới.
Tận dụng lợi thế về vị thế chính trị, địa lý
- Chẳng lẽ không có cơ hội nào, thưa ông?
- Có một điều tôi ấn tượng từ khi về nước gần 30 năm trước nghiên cứu Luật Doanh nghiệp và góp ý xây dựng chính sách hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân cho Chính phủ, là sự sáng tạo, nỗ lực, ý chí của người dân Việt Nam, khát vọng vượt khó làm giàu, khả năng nhìn nhận và nắm bắt cơ hội. Những người quan sát thế giới đến Việt Nam và biết về Việt Nam cũng đều rất ngạc nhiên về điều này. Và đó là một thế mạnh của chúng ta.
Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có vận hội tốt như ngày hôm nay. Chúng ta có bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới, nhưng mặt khác chúng ta đang có một vị thế chính trị ngoại giao hiếm có. Việt Nam có lẽ là một trong rất ít nước có thể “làm bạn” với tất cả các nước và họ cũng cần mình. Nếu biết tận dụng thì đây là cơ hội chiến lược lịch sử, đặc biệt với những nước mình thật sự chưa sử dụng hết tiềm năng, như Hoa Kỳ. Tôi mong rằng thời gian tới khi Việt Nam và Hoa Kỳ đến gần nhau hơn, nên đặt vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư lên hàng đầu. Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên đặc biệt quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Hoa Kỳ hoặc những nơi có môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi để tạo cơ hội kết nối bên ngoài và nâng tầm giá trị thương hiệu.
- Vậy theo ông, cần phải làm gì và chuẩn bị tâm thế như thế nào để vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội đó?
- Cửa sổ cơ hội đang mở ra cho Việt Nam là hiếm có nhưng đến khi sự phân cực ngã ngũ, cửa sổ cơ hội cũng khép lại. Vì vậy, chúng ta phải tận dụng tốt cơ hội này.
Tôi vẫn lạc quan về đất nước mình, song Nhà nước cũng phải làm cho người dân tin vào các quyết sách của mình, hài hòa các lợi ích hơn. Một nước phát triển, điều kiện tiên quyết là vốn xã hội, đó là sự tương tín giữa con người với con người, giữa con người với hệ thống. Vốn xã hội đi từ hai nguồn là truyền thống văn hóa và môi trường pháp lý. Phải thiết lập hệ thống pháp lý minh bạch, công bằng, lúc đó tự xã hội điều tiết theo luật chơi chung, tạo nên một sức bật rất lớn từ dân. Năm "con rồng kinh tế châu Á" cũng đều bắt đầu hầu như từ số 0 nhưng đã phát triển nhanh trong vòng 15 - 20 năm chính là nhờ vốn xã hội.
Thương hiệu quốc gia là tổng những thương hiệu tốt của doanh nghiệp trong nước. Chúng ta phải tập trung cho những doanh nghiệp lớn, thương hiệu tốt trụ được, để khi khủng hoảng qua đi, họ có cơ hội bứt phá, làm đầu tàu kéo cả nền kinh tế Việt Nam.
Với các doanh nghiệp trong nước, hai bài toán họ phải cực kỳ quan tâm để vừa vượt khó, vừa làm đòn bẩy phát triển trong tương lai, đó là quản trị và chiến lược. Phải có hệ thống quản trị chặt chẽ để hoạt động có kỷ cương, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp; đồng thời phải có chiến lược phát triển rõ ràng, xuyên suốt phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu làm được hai điều này thì họ mới trụ được và nếu trụ được, sau này ra biển lớn họ mới cạnh tranh được.
- Xin cảm ơn ông!