Đại diện Sở Nội vụ Hà Nội cho biết Sở đã nhận được "tâm thư" của gần 2.500 giáo viên Hà Nội nêu nguyện vọng mong muốn được thành phố xem xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Cụ thể:
Gần 2500 giáo viên các cấp của Hà Nội đã gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đồng kính gửi Giám đốc các Sở (GD&ĐT, Nội vụ) về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, các thầy cô giáo mong muốn TP Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì hình thức tổ chức thi tuyển. 100% giáo viên đề xuất nguyện vọng được xét tuyển. Trong đó có giáo viên nhiều tuổi nhất sinh năm 1964 và chỉ còn 1 năm công tác. Lứa tuổi 7x và 8x chiếm đa số với 92,6% trên tổng số giáo viên hợp lệ, tỷ lệ tuổi 6x là 3,4% và 9x là 4%.
Các thầy cô giáo cho rằng, iệc tổ chức một kỳ thi cho hàng nghìn giáo viên trong thành phố tiêu tốn một nguồn kinh phí không nhỏ. Trong khi đó, công sức và thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít mà tính chất kì thi không thực sự công bằng, không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục.
Thông tin về vấn đề này, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức quy định ngạch công chức đối với công chức, hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với viên chức để xác định trình độ, năng lực, khả năng thực thi nhiệm vụ được giao theo vị trí việc làm.
Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ “Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp”.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 34 dành riêng cho Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu rõ “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”.
Thông tư này cũng hướng dẫn hai hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, trong đó, xét thăng hạng có rất nhiều tiêu chí chấm điểm về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và phải rà soát, thẩm định, phê duyệt từng hồ sơ.
Đối với Hà Nội, UBND thành phố đã phân cấp cho Sở Nội vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ tổ chức xét hay thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên 3 năm qua do Covid-19 nên Hà Nội không tổ chức thi hay xét tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Năm 2023, Sở Nội vụ đã có Văn bản "Hướng dẫn tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập”. Trong đó, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký lập danh sách đề nghị nâng ngạch chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.
Trên cơ sở danh sách các hồ sơ đăng ký, Sở Nội vụ sẽ xây dựng đề án, trình UBND thành phố, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12. 2023.
Giáo viên đủ điều kiện tiêu chuẩn thăng hạng với khoảng 30.000 hồ sơ
Sở Nội vụ Hà Nội thông tin, qua đăng ký sơ bộ, đến ngày 28.7, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã và 3 sở đăng ký gửi báo cáo về cơ cấu danh sách viên chức giáo viên đủ điều kiện tiêu chuẩn thăng hạng với khoảng 30.000 hồ sơ.
Với số lượng hồ sơ đăng ký nhiều như vậy, việc chấm hồ sơ phải huy động rất đông đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn và thời gian kéo dài khoảng 2 tháng, tốn kém kinh phí và khả năng khó thực hiện. Do đó, không thể nói là tổ chức thi tốn kém hơn xét thăng hạng.
Hiện nay, do chưa có số liệu chính thức hồ sơ đăng ký nên phương án thi hay xét thăng hạng chưa được Sở Nội vụ quyết định và chưa đề xuất cụ thể.
Sau khi có danh sách chính thức (ngày 30.9 hết thời hạn đăng ký danh sách), dự kiến trong tháng 10.2023, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ xây dựng đề án trình UBND thành phố, trong đó nêu rõ thi hay xét thăng hạng; trong tháng 11, UBND thành phố xin ý kiến Bộ Nội vụ, nếu đồng ý thì UBND thành phố phê duyệt đề án và dự kiến tổ chức thi hoặc xét chậm nhất trong tháng 12.2023.