Đáng chú ý, thông tin công bố tại Hội thảo “Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương - một số yêu cầu cải cách và kiến nghị” sáng 16.11, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), cho thấy kinh doanh xăng dầu không phải là ngành duy nhất phải tuân thủ rất nhiều điều kiện!
Nhiều quy định đang cản trở doanh nghiệp
Lý giải việc lựa chọn ngành công thương để thực hiện rà soát, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng, do phạm vi bao phủ của ngành rất rộng, không chỉ liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn cả xuất nhập khẩu. Các chuyên gia của CIEM đã chọn khảo sát doanh nghiệp, hiệp hội ở 5 nhóm ngành gồm kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm, xuất khẩu gạo và hoạt động thương mại điện tử. Đánh giá sơ bộ cho thấy, các điều kiện kinh doanh hiện vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất (kho, cầu cảng, bể chứa…). Nhiều điều kiện đang làm khó, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Dương dẫn chứng, quy định hiện hành yêu cầu thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế, bảo đảm tiếp nhận được tàu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn, có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000m3 để trực tiếp nhận xăng dầu, có hệ thống phân phối tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ; về phía thương nhân phân phối phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000m3, có tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ… “Các điều kiện này có vẻ như giúp sàng lọc doanh nghiệp có năng lực, song thực tế, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM nêu rõ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu trực thuộc VINASME bổ sung, hiện cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì có tới 13.000 cửa hàng thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thị phần doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu của tư nhân chiếm khoảng 60%. Các điều kiện kinh doanh hiện nay đang trói chân doanh nghiệp.
Chẳng hạn, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ được bán lẻ ở cột bơm, không được bán buôn. Điều này đồng nghĩa, nếu có khách hàng lớn là doanh nghiệp sản xuất gần bên cửa hàng sẽ không được mua giá bán buôn. Hay quy định cửa hàng xăng dầu chỉ được lấy hàng ở một nguồn làm triệt tiêu tính cạnh tranh của chính các doanh nghiệp đầu mối cũng như doanh nghiệp bán lẻ. Nếu muốn thay đổi thì doanh nghiệp phải gửi hồ sơ lên Sở Công thương, chờ đợi thủ tục hành chính mất 20 ngày.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, với tầng nấc các điều kiện liên quan đến kinh doanh xăng dầu như hiện nay, để có được giấy phép, doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, thủ tục. Vì thế, “các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu coi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh còn quý hơn sổ đỏ”.
Không chỉ gặp khó khăn về các quy định mang tính “cầm tay chỉ việc”, quá cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thực phẩm còn gặp khó vì quy định quá chung chung, rất khó để theo dõi trong quá trình thực hiện, như: nền nhà phẳng, nhẵn, không gây trơn trượt, thoát nước tốt, không thấm, đọng nước; cơ sở sản xuất phải có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm; khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước...
Đề xuất bãi bỏ một loạt điều kiện
Thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ động rà soát và đơn giản hóa, cắt giảm 205 điều kiện kinh doanh (Nghị định số 17/2020/NĐ-CP). Nhiều điều kiện đã có sự phù hợp và bảo đảm nhất quán, song từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Bộ cần tiếp tục cải cách trong thời gian tới.
Các chuyên gia của CIEM kiến nghị, trong lĩnh vực xăng dầu, Bộ Công thương cần cân nhắc rà soát các tiêu chí định lượng cụ thể đối với cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận, bể chứa; có giải trình hợp lý hơn về các yêu cầu cụ thể, như buộc thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân phân phối phải có hệ thống phân phối trên địa bàn 2 tỉnh trở lên và tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ…
Bên cạnh đó, có thể cân nhắc việc mở rộng quyền pha chế xăng dầu. Điều này có rủi ro là khó bảo đảm chất lượng sau pha chế nhưng với quy định hiện hành cũng không bảo đảm chất lượng này, vì thế Bộ cần nghiên cứu và tham vấn doanh nghiệp về yêu cầu phù hợp. Cùng với đó, xem xét điều chỉnh quy định cho phép các thương nhân có thể tận dụng phòng thử nghiệm của nhau và phải đi kèm các quy định để tránh cạnh tranh không lành mạnh; bãi bỏ điều kiện buộc thương nhân phân phối xăng dầu phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000m3, cân nhắc thay thế bằng yêu cầu khác...
Trong kinh doanh thực phẩm, các chuyên gia kiến nghị, Bộ Công thương cần bãi bỏ các điều kiện như: cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm có ít nhất 2 thử nghiệm viên là cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học được đào tạo về kiểm nghiệm trong cùng lĩnh vực; có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (tham gia tập huấn và được chủ cơ sở xác nhận); nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản cách nền tối thiểu 10cm, các tường tối thiểu 30cm và cách trần tối thiểu 50cm…
Với rất nhiều điều kiện được cho là bất hợp lý, cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ vào việc tiếp tục cải cách điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương trong thời gian tới!