Ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong trường học
Trong tuần qua, nhiều địa phương liên tiếp ghi nhận các trường hợp học sinh, giáo viên mắc Covid-19.
Tại Hải Phòng, báo cáo của UBND quận Hồng Bàng cho thấy, từ ngày 10-13.4, tại trường THPT Vinschool (phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng) đã ghi nhận 45 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (gồm 41 học sinh và 4 giáo viên), 116 người tiếp xúc gần (93 học sinh và 23 giáo viên).
Tại TP Bắc Giang cũng vừa phát hiện 29 trường hợp mắc Covid-19, đều là học sinh và giáo viên trường THPT Thái Thuận (phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang). Hiện các trường hợp này đã được cho cách ly y tế tại nhà.
Tại Hà Nội, tuần qua, nhiều trường học trên địa bàn cũng ghi nhận hàng loạt trường hợp học sinh mắc Covid-19. Cụ thể: Trường THPT Việt Đức, (quận Hoàn Kiếm) ghi nhận 7 trường hợp, Hệ thống giáo dục Lô-mô-nô-xốp (quận Nam Từ Liêm) phát hiện 9 học sinh lớp 12 mắc Covid-19, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) phát hiện 2 trường hợp,…
Hà Nội phủ nhận thông tin “sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19”
Thời gian gần đây, nhiều trang mạng xã hội đăng tải thông tin: “Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc Covid-19” khiến không ít học sinh, phụ huynh lo lắng, nhất là khi các kỳ thi đang tới gần.
Ngay sau đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã khẳng định, thông tin trên là không chính xác. Sở GD-ĐT không có phát ngôn nào về việc dạy học trực tuyến trong thời điểm hiện tại.
Ông Cương cho biết, thông tin không chính xác về dịch bệnh phần nào đã gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các học sinh cuối cấp.
Sở GD-ĐT đề nghị các Phòng GD-ĐT, nhà trường cần thận trọng khi phát ngôn và chia sẻ những thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.
Nghi mang thuốc lá điện tử vào trường, 8 học sinh nam bị giám thị yêu cầu cởi đồ
Mạng xã hội những ngày qua xôn xao trước thông tin 8 học sinh nam tại Trường phổ thông dân lập Hermann Gmeiner (TPHCM) bị giám thị yêu cầu cởi quần áo sau khi lên phòng giám thị để kiểm tra. Sự việc kéo theo nhiều bức xúc về cách hành xử của thầy giám thị.
Theo báo cáo của Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner, do nghi ngờ học sinh mang thuốc lá điện tử vào trường, thầy giám thị đã tự ý mời 8 em học sinh nam mang cặp xuống phòng giám thị để kiểm tra. Thầy giáo này cũng nhờ một bạn học sinh trong ban thi đua yêu cầu các em học sinh tự cởi đồ kiểm tra rất nhanh và cho ra ngoài ngay.
Sau khi nắm sự việc, lãnh đạo Trường Phổ thông dân lập Hermann Gmeiner đã tổ chức cuộc họp với bộ phận giám thị, yêu cầu giám thị tường trình và lập biên bản sự việc - căn cứ đưa ra hội đồng xử lý kỷ luật của trường.
Trong buổi làm việc, thầy giám thị đã nhận khuyết điểm. Nhận thức hành vi trên gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của trường, thầy giáo đã chủ động xin nghỉ việc.
Bộ GD-ĐT bỏ yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ
Ngày 14.4, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS hạng I từ thạc sĩ xuống đại học.
Cũng trong Thông tư mới, Bộ GD-ĐT bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng; điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác.
Đồng thời, bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.
Bắt được đối tượng có hành vi quấy rối nữ sinh trước cổng trường đại học
Thời gian gần đây, tại khu vực cổng phụ của Trường Đại học Thương mại xuất hiện người đàn ông lạ mặt, có hành vi khiêu dâm ngay trước cổng trường nhằm trêu trọc nữ sinh. Ngay sau đó, sinh viên phản ánh với nhà trường để phối hợp với công an xác thực thông tin và theo dõi đối tượng lạ mặt.
Đến ngày 9.4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã bắt được đối tượng có hành vi quấy rối các nữ sinh Trường Đại học Thương mại.
Trường Đại học Thương mại khuyến cáo sinh viên, khi gặp các trường hợp tương tự, cần mạnh dạn phản ánh với trường, chụp lại hình ảnh các đối tượng hỗ trợ công an nhanh chóng xử lý sự việc.
Trường THPT kêu gọi đóng góp hơn 2.6 tỷ đồng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập
Thông tin Trường THPT Lê Văn Hưu (Thanh Hóa) có kế hoạch kêu gọi thầy, cô giáo, cựu học sinh tham gia đóng góp tổng kinh phí hơn 2.6 tỷ đồng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường cũng gây nhiều ý kiến tranh luận.
Theo đó, nhà trường kêu gọi ủng hộ tổng kinh phí hơn 2.6 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục như: Xây dựng nội thất nhà truyền thống: từ 350 đến 450 triệu đồng; sơn và làm lan can khu hiệu bộ 3 tầng: 300 triệu đồng; xây dựng thư viện xanh: 200 triệu đồng; biên tập, xuất bản và in kỷ yếu: 225 triệu đồng; thuê tổ chức sự kiện: 300 triệu đồng; quà lưu niệm cho các thầy cô giáo, đại biểu 250 triệu đồng…
Sau khi nhận được kế hoạch kêu gọi đóng góp kinh phí nêu trên, nhiều cựu học sinh của trường cho rằng, các mục chi cho hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường không hợp lý, tốn kém và lãng phí.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết, Trường THPT Lê Văn Hưu đã có tờ trình gửi về Sở về việc tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập trường, tuy nhiên Sở chưa có văn bản trả lời. Được biết, ngay khi nhận thông tin về khoản kêu gọi nói trên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã cho Thanh tra Sở vào làm việc và sẽ có chấn chỉnh, xử lý nếu phát hiện sai sót.