Thêm đối tượng mua nhà ở xã hội
Phát biểu thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Theo ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn): hiện nay người dân lao động đang phải đối mặt nhiều khó khăn trong cuộc sống khi giá cả liên tục tăng, xăng tăng, điện tăng và thời gian tới là việc tăng học phí theo lộ trình. Từ đó, khiến sức mua hàng hóa trên thị trường giảm. Điều này sẽ tác động trực tiếp hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Do đó, việc giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa và các loại thuế khác là việc làm cần thiết để tạo chỗ dựa cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến chính sách mua nhà ở xã hội, tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cũng đề nghị nên mở rộng đối tượng. Trong đó có nhân viên hợp đồng lao động 68, đang làm việc tại khu vực hành chính như lái xe, tạp vụ. Đại biểu cho rằng: Những đối tượng lao động này là những người đi làm xa quê và hiện đang phải thuê nhà. Để ổn định lao động nên tạo điều kiện mua nhà ở xã hội, đây là những đối tượng cần được ưu tiên vì họ có mức thu nhập thấp nên việc tiếp cận mua nhà là rất khó khăn.
Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN- PTNT Việt Nam, các đại biểu cơ bản nhất trí và cho rằng, việc tăng vốn cho Ngân hàng NN- PTNT thêm 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2023 sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng: cần tính toán lại việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng NN-PTNT một cách hợp lý khi số liệu tính toán đã cũ hơn 1 năm chưa được cập nhật.
Nâng kết nối hệ thống chuyển đổi số chuyên ngành
Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu nên trong quá trình thực hiện chưa có quy định, hướng dẫn và không có mô hình để học hỏi. Do đó, việc triển khai thí điểm chuyển đổi số tổng thể và toàn diện cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh đã được UBND tỉnh Lạng Sơn giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn VNPT tham mưu xây dựng nền tảng cửa khẩu số.
Đánh giá cao về nền tảng cửa khẩu số khi đã giúp lực lượng chức năng và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các hoạt động trên một nền tảng số duy nhất; thực hiện số hóa hoàn toàn các thông tin khai báo của doanh nghiệp trước khi hàng hóa đến cửa khẩu. Đáng chú ý, các thông tin khai báo trên nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được việc khai báo tờ khai điện tử để thay thế tờ khai bằng giấy như trước đây. Khi sử dụng nền tảng cửa khẩu số, doanh nghiệp có thể chủ động thời gian để khai, thời gian thực hiện rất thuận lợi chỉ mất 2 - 5 phút. Bên cạnh đó còn giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; minh bạch hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
ĐBQH Lưu Bá Mạc khẳng định: Mặc dù việc triển khai cửa khẩu số còn nhiều vướng mắc và khó khăn, chưa có sự kết nối liên thông giữa cơ sở dữ liệu chuyển đổi số quốc gia chuyên ngành liên quan tới Hải quan, Biên phòng và kiểm định động vật, song thực tế việc triển khai thành công chuyển đổi số khu vực cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn đã hình thành nên một mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước. Do đó, đại biểu đề nghị thời gian tới, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để nâng cao tính hiệu quả, góp phần thông thương cửa khẩu và hướng nhân rộng chuyển đổi số cửa khẩu trên toàn quốc.