Chiều nay, Viện trưởng Lê Minh Trí đã giải trình thuyết phục nhiều vấn đề quan trọng được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Trong đó, có vấn đề rất thời sự như giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; có vấn đề nhạy cảm khi động chạm đến vấn đề con người như năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và công chức của ngành kiểm sát, việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm sát hay những lỗ hổng pháp lý, những quy định không còn phù hợp; có vấn đề mang tính căn cơ, lâu dài, gắn rất chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, điều hành, quản lý xã hội để hạn chế được tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...
Sự thuyết phục trong phần trả lời của Viện trưởng Lê Minh Trí không chỉ đến từ sự am hiểu sâu sắc lĩnh vực phụ trách mà còn bởi sự thẳng thắn, chân thành, không né tránh và thực sự cầu thị của một “tư lệnh ngành” đã có rất nhiều năm đảm nhận vị trí “ghế nóng” này.
Như khi trả lời chất vấn của ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về giải pháp chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, đây luôn là chủ trương xuyên suốt của ngành kiểm sát, và đặc biệt, trong 2 nhiệm kỳ gần đây đã được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ của toàn ngành kiểm sát. Tuy nhiên “rõ ràng là 2 yêu cầu này có mâu thuẫn với nhau trong thực tế. Khi chúng ta đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để bỏ lọt tội phạm thì cũng sẽ dễ dẫn tới oan sai. Ly lai giữa chống oan sai với chống bỏ lọt tội phạm này là một khó khăn, thách thức rất lớn cho các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát. Đó là yêu cầu rất cao, rất ngặt nghèo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tố tụng”, Viện trưởng Lê Minh Trí thẳng thắn.
Cũng chính vì ý thức rất sâu sắc về ranh giới có tính chất chỉ “một ly một lai” đó, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết đã yêu cầu toàn ngành phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên, đó là phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.
“Trong đó, công minh chính trực chính là phẩm chất nghề nghiệp mà người kiểm sát viên phải có. Thận trọng, khiêm tốn là phương pháp công tác, phải thận trọng, phải khách quan để đảm bảo không oan, không lọt và khiêm tốn là cũng để đảm bảo sức thuyết phục của mình trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong công tác chuyên môn thì Viện trưởng hàng năm đều có đặt ra yêu cầu này. Đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đã ban hành Chỉ thị số 05 ngày 27.4.2020 - Chỉ thị chuyên đề về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm với rất nhiều giải pháp cụ thể”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết.
Nêu ví dụ cụ thể trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, đã yêu cầu kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như: bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung, đối chất và nhận dạng. Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu và kiểm sát viên yêu cầu xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ theo 2 hướng buộc tội và gỡ tội, yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn, chuyển hóa chứng cứ kịp thời, chặt chẽ và chứng cứ đến đâu xử lý đến đó.
“Đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm, trong thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, chú ý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật. Những vấn đề mới và phức tạp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đều yêu cầu phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình và yêu cầu kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện, lịch sự trong xem xét, đánh giá chứng cứ. Trong xác định tội danh và khung hình phạt phải đảm bảo vừa xử lý nghiêm, vừa khoan hồng, nhân văn, thuyết phục, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.
Một giải pháp nữa trong chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm rất quan trọng là công tác cán bộ. Trước hết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại, sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể, lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên nếu có hướng dẫn, chỉ đạo vụ việc, vụ án đó. Trường hợp để oan sai khi kiểm điểm rõ trách nhiệm tùy theo mức độ đã có quy định trong ngành với hình thức từ khiển trách cho tới buộc thôi việc. Trường hợp nghiêm trọng thì xử lý theo quy định của pháp luật và thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước. Trong công tác cán bộ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm, để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp kiểm sát và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, chống lọt tội phạm.
Trong phiên chất vấn chiều nay, Viện trưởng Lê Minh Trí nhiều lần thẳng thắn “việc đó là có", “việc này thậm chí là phổ biến”... Và điều quan trọng hơn, đi kèm với việc nhìn rõ thực trạng, chỉ rõ trách nhiệm, ông đã đưa ra nhiều giải pháp mà như ghi nhận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là “đồng bộ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các công tác trọng tâm từ xây dựng thể chế đến các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, công tác tổ chức cán bộ, kỷ luật, kỷ cương và công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan để làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân”.
Hiệu quả của một phiên chất vấn không chỉ thể hiện qua gần 3 giờ đồng hồ hỏi – đáp, tranh luận, truy vấn... mà quan trọng hơn nữa là những chuyển biến thực sự sau đó. Với những cam kết cụ thể, được đưa ra từ sự nghiêm túc, cầu thị, từ những trăn trở và quyết tâm làm cho ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn vì sự phát triển chung bền vững của đất nước, vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân thì hoàn toàn có thể trông đợi vào sự chuyển biến đó.