Tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động
- Xin ông cho biếtý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với Đà Nẵng?
- Kết luận số 79-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP. Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị thể hiện sự nhất quán và xuyên suốt trong quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TP. Đà Nẵng đối với vùng và cả nước[1]; khẳng định quyết tâm chính trị; tạo sự thống nhất cao hơn về nhận thức và hành động cả ở Trung ương, vùng và địa phương trong thực hiện thành công các giải pháp và đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW; đồng thời tiếp tục thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ thành phố chủ động, sáng tạo hơn cho phát triển nhanh hơn và đột phá hơn trong giai đoạn tới.
Thứ hai, Kết luận số 79-KL/TW là cơ sở chính trị quan trọng cho việc đưa ra các giải pháp mới, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá cho phát triển thành phố, nhất là về quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách, thuế; quy hoạch; khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thu hút nhà đầu tư chiến lược; cảng hàng không, cảng biển; thí điểm hình thành khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực...; áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị… nhằm thực hiện thành công các giải pháp và đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển cho cả nước
- Thực tế, Đà Nẵng đã có cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, theo ông, vì sao Đà Nẵng lại cần có cơ chế, chính sách đặc thù mới như đã nêu trong Kết luận số 79-KL/TW?
- Cơ chế, chính sách đặc thù mới có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Trước hết là bởi, sau khi Nghị quyết số 43-NQ/TW được ban hành, Đà Nẵng đã có các cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng những cơ chế, chính sách đặc thù này hoặc còn đang được thực hiện thí điểm (như mô hình chính quyền đô thị) hoặc chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh, hoặc chưa đi kèm với nguồn lực đầu tư tương xứng nên tác động tích cực còn hạn chế, trong khi thành phố đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, khác về chất, dựa nhiều hơn vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo, giai đoạn phát triển một thành phố đáng sống mang tầm khu vực và thế giới.
Hai là, cơ chế, chính sách đặc thù mới sẽ giúp Đà Nẵng tháo gỡ được những điểm nghẽn, khơi thông được nguồn lực, giải quyết các vướng mắc, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân sách; giúp phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là về kinh tế biển nhằm thu hút đa dạng các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, chất lượng cao, giúp thành phố bắt nhịp được với xu thế phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; qua đó thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững, đồng thời bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là an ninh biển, đảo. Điều này lại càng quan trọng hơn khi Quy hoạch thành phố đã được phê duyệt với các không gian phát triển mới, tư duy phát triển mới phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Thêm vào đó, sự phát triển đột phá của Đà Nẵng cũng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa tích cực, mở ra các cơ hội hợp tác, liên kết vùng; thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước.
Ba là, việc Đà Nẵng có cơ chế, chính sách đặc thù mới cũng là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Đảng về phát triển các vùng kinh tế - xã hội, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị[2] về thực hiện ba đột phá chiến lược, đặc biệt là đột phá về thể chế trên địa bàn một địa phương có vai trò, vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh; là sự lan tỏa của những cơ chế, chính sách đặc thù đã được áp dụng thành công ở các tỉnh, thành phố khác, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương.
Thêm vào đó, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mới tại Đà Nẵng cũng sẽ là một trường hợp điển hình, cụ thể, giúp cho việc tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển trong cả nước theo hướng đồng bộ và chất lượng cao.
- Xin cảm ơn ông!
__________
[1] Nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây đi qua các nước Myanma, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước; là đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị động lực của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; là thành phố lớn thứ 4 ở Việt Nam sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng và là một trong những thành phố cảng có vị trí chiến lược của miền Trung Việt Nam, có vai trò quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đà Nẵng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống, nhiều danh thắng nổi tiếng; là trung tâm của ba di sản văn hóa thế giới gồm: cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung.
[2] Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.