Tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố là hợp lý
Về cơ cấu tổ chức của HĐND TP. Hà Nội, dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125 đại biểu; tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 25%; tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND thành phố từ 2 lên 3 người.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với quy định như trong dự thảo Luật vì TP. Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt. HĐND thành phố ngoài việc quyết định các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì hiện nay HĐND cấp tỉnh đã và đang được phân cấp thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề, phải ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách. Theo dự thảo Luật, HĐND thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp thẩm quyền, khối lượng công việc tăng lên nhiều. Do đó, phải bảo đảm về bộ máy, nhân lực và tài chính để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Tán thành việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cho thành phố, song, ĐBQH Trần Quốc Quân (Long An) băn khoăn, Tờ trình của Chính phủ nêu việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện cho cử tri, phù hợp với tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố. Đại biểu đề nghị, khi đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố cần làm rõ cơ cấu, thành phần của đại biểu để thấy được tính đại diện cho các tầng lớp, ngành, lĩnh vực, thành phần xã hội trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên tương ứng bởi trong báo cáo đánh giá tác động cũng đã nêu các Ban của HĐND thành phố có Trưởng ban hoặc Phó ban, nhưng phần lớn hoạt động kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động của HĐND, chưa tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Việc tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi để đại biểu có toàn thời gian nghiên cứu, tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến đề xuất các chính sách và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội là hợp lý. Tuy nhiên, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% như trong dự thảo Luật là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội. Đại biểu cho rằng, cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách lên ít nhất 30 - 40% như đối với đại biểu Quốc hội để hoạt động của HĐND thành phố thực sự có hiệu quả. Đồng thời, cần xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố trong việc cho ý kiến, thống nhất với UBND thành phố khi giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP. Hà Nội.
Cần chính sách khuyến khích, thúc đẩy thực hiện di dời các trụ sở
Liên quan đến xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Điều 19, 20, 21, 22, dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội nhận thấy, các quy định này đã rõ nét hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm thực hiện xây dựng Thủ đô, xác định phân khu phát triển nội đô lịch sử, tập trung nguồn lực và ưu tiên để thực hiện quy hoạch Thủ đô, các quy hoạch phân khu; quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất y tế, giáo dục đào tạo, trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra còn quy định cơ chế để quản lý, sử dụng không gian ngầm, mô hình dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (dự án TOD), thực hiện lộ trình giãn dân và một số các biện pháp khác. Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, việc bổ sung các quy định như dự thảo Luật là rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô.
Đi vào một số nội dung cụ thể, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu thực tế, nhiều năm qua, việc di dời trụ sở các cơ quan, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, giáo dục - đào tạo vẫn không có kết quả. Nếu tiếp tục không có các giải pháp khác thì điều này là khó khả thi. Do vậy, đại biểu đề nghị, ngoài các quy định chính sách của Nhà nước về đầu tư, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cơ quan, đơn vị chấp hành di dời trụ sở làm việc, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất kinh doanh theo danh mục, lộ trình Chính phủ quy định để thúc đẩy việc thực hiện di dời các trụ sở này.
Nhấn mạnh tới trách nhiệm của các cơ quan trên địa bàn thành phố Hà Nội, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, đặc thù của Hà Nội là có rất nhiều cơ quan, đoàn thể Trung ương nhưng việc di dời trụ sở ra khỏi trung tâm thành phố để giảm bớt ách tắc giao thông có rất nhiều lý do khiến những năm qua chưa thể thực hiện được.
Mặt khác, liên kết phát triển vùng Thủ đô quy định ở Chương V chủ yếu còn mang tinh thần tự nguyện, tính chất bắt buộc chưa cao. Hà Nội liên kết với 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhưng quy định như dự thảo Luật chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, cần phải có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, rõ trách nhiệm và phương thức triển khai thực hiện.
“Thủ đô Hà Nội vẫn được nhắc nhiều đến là trái tim của cả nước. Trái tim khỏe thì cơ thể mới sống khỏe, thành phố Hà Nội phát triển thì đất nước mới có thể cất cánh. Do vậy, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế, xây dựng nền tảng để Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, giúp đất nước sớm hóa rồng”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.