ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa): Cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp
Nhà ở của người dân nói chung, nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo.
Tuy nhiên, đến nay theo báo cáo của Chính phủ, sau 8 năm từ năm 2015 đến năm 2023 mới có 373/800 dự án đã hoàn thành với quy mô đã xây dựng được 193.920 căn hộ. Nếu so với mục tiêu đến năm 2025 mới chỉ đạt 45,3%, so với mục tiêu đến năm 2030 mới chỉ đạt 18,2%. Như vậy, mục tiêu của dự án đến năm 2025 và 2030 rất khó có khả năng hoàn thành nếu chúng ta không có giải pháp đột phá.
Trong số các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo kết quả giám sát, thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu do công tác lãnh đạo, do công tác ban hành chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội tuy tương đối đầy đủ nhưng thiếu tính ổn định, có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đồng bộ, thống nhất...
Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch; sửa đổi các chính sách để thu hút các nhà đầu tư giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội tượng được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp, đồng thời cần thực hiện bố trí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Chính phủ cần có chính sách cụ thể hóa theo tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; chỉ đạo thực hiện việc giao cho các địa phương phải xác định chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để thực hiện cho được theo đúng tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW; cụ thể hóa chính sách để tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ; thực hiện tốt các cơ chế tài chính, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân thụ hưởng chính sách; khắc phục tình trạng một số dự án lợi nhuận thấp, thời gian kéo dài, không khuyến khích được nhà đầu tư; cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp; cần đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở xã hội và các hình thức thuê, cho thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.
Tiếp tục chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhà ở xã hội. Cải cách thủ tục hành chính trong việc xem xét duyệt đối tượng đủ điều kiện tham gia mua nhà ở xã hội để vừa thuận tiện, vừa đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.
ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang): Phát huy đầy đủ 6 hình thức phát triển nhà ở xã hội
Qua triển khai 3 hình thức phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, kết quả cho thấy đa số các dự án nhà ở xã hội đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã. Một ít địa phương đã dành vốn nhà nước gồm vốn ngân sách và vốn nhà nước ngoài ngân sách để phát triển nhà ở xã hội.
Đối với hình thức phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn hộ gia đình, cá nhân giai đoạn 2015 đến năm 2023 trên địa bàn cả nước chưa có, chủ yếu phát triển nhà trọ với số lượng lớn. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp đó thuê với giá ưu đãi. Ví dụ minh họa tại báo cáo chung thể hiện đối với 4 tỉnh phía Nam, gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh có trên dưới 214 nghìn khu nhà trọ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê với hơn 847 nghìn phòng, mỗi phòng giải quyết nhu cầu trọ trung bình từ 3 - 4 cá nhân người lao động.
Bên cạnh việc khẩn trương rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý ổn định, xác đáng, hiệu lực, hiệu quả trong khai thác tối đa các nguồn lực, phát huy đầy đủ 6 hình thức phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều 80 Luật Nhà ở hiện hành. Sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra về việc ban hành chính sách và việc thực hiện chính sách.
Cùng với các hình thức về phát triển nhà ở xã hội qua đầu tư quy mô của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, kiến nghị nghiên cứu có giải pháp để thúc đẩy thực hiện hình thức phát triển nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng để cho thuê. Chú trọng có biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng chất loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, chưa bảo đảm an toàn điều kiện sinh sống.
Tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội, góp phần xử lý thỏa đáng. Nhận định cho rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ giá vốn đầu tư dẫn đến việc tách bạch phần ưu đãi của Nhà nước ra khỏi giá nhà ở xã hội là rất khó kiểm soát, có thể dẫn đến việc giá bán, giá cho thuê vượt xa khả năng chi trả của người dân.
Ngoài ra, bên cạnh hình thức hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng vay mua nhà ở xã hội được đánh giá là hình thức hỗ trợ thiết thực mang tính khả thi cao. Trong thời gian qua, kiến nghị tiếp tục có nghiên cứu mở rộng các chính sách ưu đãi với hình thức phù hợp giúp đối tượng thụ hưởng chính sách có điều kiện tiếp cận tốt nhất tiệm cận với khả năng thanh toán của mình.
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu): Cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội
Để giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trong báo cáo kết quả giám sát, tôi đề nghị, cần cơ cấu lại quy hoạch và tạo quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội, theo đó cần có quy hoạch đồng bộ, dài hạn, đặc biệt tại các đô thị lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp, trong đó nên quy hoạch các khu vực riêng về đất để phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm ít nhất có 30% diện tích đất phát triển bất động sản tại các khu đô thị mới được ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp và liên thông quản lý theo hướng thực hiện triệt để cơ chế một cửa liên thông trong cấp phép và tăng cường phân cấp cho địa phương trong phê duyệt dự án nhà ở xã hội.
Tạo nguồn vốn bền vững, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội bằng cách thành lập Quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp.
Song song với chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, các bộ, ngành chuyên môn cần có hướng dẫn cụ thể, giải quyết bất cập trong việc triển khai Điều 78 về quy định chuyển tiếp Luật Nhà ở năm 2024 để phù hợp thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Điều 5 Nghị định 100 năm 2015 và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49 năm 2021 của Chính phủ. Vì hiện nay không thể triển khai thực hiện do những quy định trên chưa được cụ thể, tình trạng còn hướng dẫn chung chung như báo cáo kết quả giám sát đã nêu, các địa phương còn tiếp tục không thể gỡ vướng, nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi tháo gỡ khó khăn và người dân khó tiếp cận chính sách, trong đó có chính sách về bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang): Bố trí đủ vốn ngân sách thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội
Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô trên 567 nghìn căn, trong đó số lượng dự án hoàn thành là 373 dự án với quy mô trên 193 nghìn căn, số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 129 dự án, quy mô trên 114 nghìn căn. Đây là con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở của người dân trong cả nước.
Qua báo cáo kết quả giám sát cho thấy, thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội phức tạp hơn và có nhiều thủ tục hơn so với các dự án nhà ở thương mại. Ngoài các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh các thủ tục như về xác nhận các đối tượng được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, thủ tục thẩm định giá, giá cho thuê, thuê nhà ở xã hội. Mặt khác, nguồn cung cấp nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế, tình trạng dư thừa quỹ đất nhà ở thương mại nhưng lại thiếu quỹ đất ở và nhà ở xã hội còn chậm được khắc phục.
Để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Theo đó, sớm nghiên cứu, ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đặc biệt là các nhà đầu tư dự án phù hợp với đặc điểm của loại hình nhà ở xã hội.
Cần bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại đô thị. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cải cách các thủ tục hành chính xét duyệt, cho vay, tránh tình trạng "chính sách thì rất hay, rất tốt nhưng tiếp cận lại phải qua một rừng thủ tục".
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo cho Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn có thể 10 - 20 năm, lãi suất ưu đãi thấp từ ba đến 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội và có động lực để mua nhà ở.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc thực thi chính sách đối với nhà ở xã hội đúng theo quy định của pháp luật. Có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình trục lợi chính sách. Có như vậy, chính sách nhà ở xã hội mới đúng và trúng đối tượng...