Đánh giá thực chất hơn chỉ tiêu về tăng năng suất lao động
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó: ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, đánh giá tình hình và dự kiến kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, từ đó có giải pháp đột phá theo tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”.
Ghi nhận nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, những kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã nói lên chất lượng điều hành của các cấp, từ trung ương đến địa phương. Nhờ đó, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đạt được những kết quả khá toàn diện, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%).
Đáng chú ý, một trong những chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra sau 3 năm không đạt là chỉ tiêu về tăng năng suất lao động xã hội. Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân ước đạt 5,3 - 5,4%, cao hơn so với mục tiêu đề ra cho năm nay là từ 4,8 - 5,3%. Tuy nhiên, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, đánh giá chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch chưa hoàn toàn hợp lý khi thực tế chỉ tiêu đề ra năm nay đã được điều chỉnh thấp hơn so với những năm trước. Năm 2023, chỉ tiêu này Quốc hội giao là 5 - 6%.
Đại biểu nêu vấn đề, trước đây chúng ta đặt mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân là 6%, nhằm bảo đảm đạt được chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo động lực thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong nền kinh tế nhằm tăng năng suất lao động. Do vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng và tổng thể hơn việc thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội, để có mục tiêu và giải pháp phấn đấu thực hiện.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, cần phân tích sâu hơn vai trò của năng suất lao động đối với GDP. “Công thức tính GDP rất đơn giản, GDP bằng năng suất lao động nhân với số lượng lao động. Chúng ta thấy vì sao năng suất mình thấp mà GDP mình đứng hàng 35 thế giới là do dân số mình đông”. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn tăng GDP thì phải tăng năng suất lao động chứ không phải chỉ tăng số lượng người lao động.
Tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực có chất lượng cao
Một trong 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025 được Chính phủ đề ra là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp này, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) nêu vấn đề, lực lượng lao động của nước ta trên 50 triệu người, nhưng lao động khu vực phi chính thức khá cao chiếm tới 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mức 28%. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên luôn cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu nêu thời gian qua nhưng cũng chưa thấy có giải pháp khắc phục hiệu quả.
“Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển với trọng tâm là tăng trưởng, chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển, song mỗi năm tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chỉ được khoảng 1% thì sẽ rất khó khăn để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người lao động”.
Đại biểu Trần Thị Hiền kiến nghị, cần có giải pháp thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho người lao động; nếu chỉ nhà nước làm sẽ còn tiếp tục khó khăn. Đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát, đánh giá sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 để có những điều chỉnh trong tổ chức thực hiện và giải pháp phù hợp, trong đó có việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực của hệ thống các trường nghề để đáp ứng với thị trường lao động.
Tán thành với quan điểm “ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” được nêu trong báo cáo của Chính phủ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cũng đề nghị, đối với lĩnh vực xuất khẩu - một trong ba động lực tăng trưởng truyền thống, cần tập trung kết nối khu vực FDI với các doanh nghiệp trong nước; cần xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến việc phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI chế biến, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sản xuất trong nước, chủ yếu là hàng hoá nông sản, thủy sản… đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ nhằm tiếp sức cho những mặt hàng mang thương hiệu Việt ra thế giới như các biện pháp giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí logistics. Đại biểu cũng nhấn mạnh, cần phải đi vào sản xuất lớn, sản xuất mang tính chuyên nghiệp thì hàng hóa nông sản, thủy sản để bảo đảm được thương hiệu có chất lượng và lâu bền trên thế giới. Cùng với đó, cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn…