Còn khó khăn trong quản lý, xử lý vi phạm
Theo đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo trên địa bàn, thành phố đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật, thể hiện được tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng hành lang pháp lý trong quản lý hoạt động quảng cáo cũng như triển khai tổ chức thực hiện.
Thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn cũng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, thường xuyên tham gia, phối hợp trong công tác xã hội hóa cổ động tuyên truyền, đầu tư cải tạo hiện đại hóa các hình thức tuyên truyền, quảng cáo.
Trong Đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035 cũng đã đề ra các giải pháp, phương hướng để phát triển hoạt động quảng cáo trên địa bàn như: áp dụng công nghệ mới vào hoạt động quảng cáo trên tất cả lĩnh vực quảng cáo; hình thành hệ thống chuẩn mực quảng cáo đặc thù của TP. Hồ Chí Minh với định hướng quảng bá hình ảnh, thương hiệu của riêng thành phố trong tổng thể quốc gia.
Tuy nhiên, dù đã có những quy định pháp luật cụ thể và sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc lập lại trật tự ở lĩnh vực quảng cáo, song do đặc thù địa bàn rộng lớn, nhu cầu quảng cáo nhiều nên hoạt động quảng cáo vẫn còn có tồn tại, bất cập, sai phạm, nhất là thời gian qua xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo mới như: trình chiếu ánh sáng, bay drone, flycam; sự phát triển của công nghệ đối với quảng cáo kết nối internet, mạng xã hội, màn hình LCD...
Đặc biệt, tình trạng quảng cáo trên môi trường mạng Internet; các kênh Youtube, Facebook đã chiếm hơn 46% ngân sách quảng cáo của khách hàng. Cùng với đó, các hoạt động quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam diễn ra ngày phổ biến và phức tạp; nhiều quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, lừa dối khách hàng, quảng cáo công dụng, tính năng quá mức của tính năng của sản phẩm ảnh hưởng đến người dân, người tiêu dùng; quảng cáo vi phạm đến văn hóa, thuần phong mỹ tục…
Để quản lý quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai một số giải pháp như rà soát, thống kê và làm việc với các doanh nghiệp là đối tác của các nền tảng lớn như Facebook, Google, YouTube, TikTok… tại thành phố để phối hợp triển khai các giải pháp kiểm soát nội dung, sản phẩm phân phối trên các nền tảng. Quản lý, kiểm tra, xử lý quảng cáo đối với người nổi tiếng (KOLs) tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng; cá nhân sử dụng danh nghĩa, địa chỉ, hình ảnh, lời chia sẻ của bệnh nhân; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm, chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định; ngăn chặn kênh, tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử vi phạm…
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, hiện chưa có quy định về việc quảng cáo trên trang thông tin điện tử, trang thương mại điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin khác trên Internet, quản lý tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo, quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin khác. Nói cách khác, việc quản lý hình thức quảng cáo trên mạng xã hội mới đang tập trung vào công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo trên mạng internet mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hoạt động quảng cáo này.
Trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý và xử phạt vi phạm trong công tác quản lý như: việc xác định chủ thể quảng cáo, địa điểm thực hiện hành vi để làm việc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền do người thực hiện quảng cáo trên không gian mạng thường là cá nhân, không có tên thật, địa chỉ không rõ ràng hoặc không có trụ sở trên địa bàn; không có cơ sở dữ liệu về việc cấp phép quảng cáo hoặc nội dung cho phép quảng cáo để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm…
Sửa đổi phù hợp với thực tế
Khảo sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo trên địa bàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho biết, TP. Hồ Chí Minh là đô thị phát triển năng động, địa bàn rộng lớn nên nhu cầu hoạt động quảng cáo diễn ra thường xuyên và số lượng rất lớn để đáp ứng sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Song, thành phố cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc quản lý lĩnh vực quảng cáo, nhất là trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng phát triển.
Điều này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo là hoàn toàn hợp lý, vừa sát với tình hình thực tế, nhằm tạo lập, hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, quảng cáo là một ngành công nghiệp, nguồn thu từ quảng cáo và các hoạt động gắn với quảng cáo rất lớn, do đó nếu không sửa đổi, bổ sung các quy định thì vô hình kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực quảng cáo, cũng chính là kìm hãm cơ hội để doanh nghiệp có “kênh” hiệu quả đưa thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng. Nói cách khác, đây là sự kìm hãm sự phát triển chung. Tuy nhiên, quảng cáo cũng là lĩnh vực đi rất nhanh, nhất là trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số như hiện nay. Nếu như năm 2012, khi Luật Quảng cáo được ban hành, bán hàng trên truyền hình là kênh vô cùng phát triển, thì nay đã đi vào thoái trào, thay vào đó là bán hàng trên mạng xã hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cũng cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết, song không nên ràng buộc hết tất cả các quy định vào luật, mà cần cân nhắc những điểm chính yếu, phù hợp với thực tế, tránh quy định mênh mông, vô hình trung lại gây thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, doanh nghiệp. Không những làm cho doanh nghiệp phiền lòng, mà còn làm nản lòng những người muốn tham gia kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung phải theo hướng phát huy lĩnh vực quảng cáo vốn rất nhiều tiềm năng, theo tinh thần không để lãng phí, nhưng cũng không được làm phiền xã hội, cũng như tạo ra những hệ quả không tốt về mặt văn hóa.