Và để giải quyết các khó khăn được nêu tại Tờ trình số 588/TTr-CP sẽ phải sửa đổi, bổ sung đồng thời nhiều văn bản luật như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giao thông đường bộ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương...
Việc sửa đổi các chính sách tại các luật có liên quan cần có nhiều thời gian, trong khi đó, các khó khăn hiện nay tập trung ở một số dự án có tính chất, điều kiện đặc thù như dự án đi qua địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, không thu hút được vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; các dự án đoạn tuyến cao tốc thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải đi qua địa bàn nhiều tỉnh. Do đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết thời điểm này quy định về một số chính sách thí điểm đặc thù, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm một số dự án giao thông đường bộ đang triển khai là cần thiết, phù hợp về thẩm quyền theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Về một số nội dung cụ thể như nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Khoản 1, Điều 3 quy định một trong những nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm đó là “Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Quy định như thế này không rõ là bắt buộc Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh cùng đề xuất hay chỉ cần Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh đề xuất là đã đáp ứng yêu cầu. Hoặc nếu là cả 2 trường hợp thì khi nào sẽ chỉ Bộ Giao thông vận tải hoặc UBND cấp tỉnh đề xuất; khi nào sẽ phải là Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng đề xuất đồng thời cũng không rõ quy trình thực hiện đối với từng trường hợp như thế nào? Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này, quy định rõ ràng để có cơ sở thực hiện.
Về quy định đối với các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương, dự án giao thông đường bộ nhiều địa phương có nhu cầu thí điểm. Khoản 2, Điều 5 và khoản 2, Điều 6 dự thảo Nghị quyết hiện đang quy định thủ tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết này đối với các dự án khác không thuộc Danh mục dự án tại Phụ lục số 02, Phụ lục số 03 nhưng trong quá trình thực hiện Nghị quyết nếu đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm và có nhu cầu thí điểm thì trong trường hợp giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc giao cho một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án.
Dự thảo quy định như vậy nhưng chưa có quy định về việc nếu Chính phủ trình vào giai đoạn của kỳ họp. Việc bổ sung dự án trong trường hợp này thì sẽ bổ sung ở Danh mục các dự án tại Phụ lục 02, Phụ lục 03 hay xem xét, quyết định đối với từng dự án cụ thể? Do đó, nội dung này cũng cần được làm rõ và quy định cụ thể tại dự thảo Nghị quyết.
Đối với cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đề nghị quy định Khoản 2, Điều 7 theo hướng tương tự như Khoản 2, Điều 5 và Khoản 2, Điều 6 theo hướng quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền rà soát, báo cáo Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm thống nhất với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Ngoài ra, đề nghị chỉnh lý lại khoản 2 theo hướng giữa hai kỳ họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho dự án đó được áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm của Nghị quyết này mà không phải là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung Danh mục dự án vì danh mục dự án hiện nay ban hành theo Nghị quyết này là thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể bổ sung Danh mục này được...