ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ): Đánh giá kỹ nguyên nhân, rút ra bài học với chính sách tương tự
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu Chương trình đến hết năm 2023 mới đạt khoảng 3,05% quy mô chính sách. Có thể thấy, chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục và hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chính sách này không đi vào cuộc sống như Đoàn giám sát đã nêu, có thể thấy dư nợ tín dụng đến tháng 12.2021 ở mức 10,4 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm, cùng với việc các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng chính sách không lớn.
Thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định số 31-NĐ/CP của Chính phủ còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, như phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá của nội bộ ngân hàng thương mại; hướng dẫn của các cơ quan chức năng còn chậm, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất vẫn rất chặt chẽ để bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không bảo đảm điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất.
Tôi cho rằng, doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt như kỳ vọng. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp theo.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa): Cân nhắc cho phép tiếp tục kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Qua nghiên cứu các báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, báo cáo của Đoàn giám sát và Kiểm toán Nhà nước cũng như từ thực tế giám sát tại địa phương, tôi nhận thấy quá trình tổ chức thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, bên cạnh những kết quả đạt được rất quan trọng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng y tế thuộc Chương trình; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình; tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời gian của nghị quyết, mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện; một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 57% kế hoạch…
Từ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp, giải quyết các kiến nghị khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình để hoàn thành đúng theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15.
Về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, mặc dù chính sách được kéo dài thực hiện đến hết ngày 30.6.2024, tuy nhiên qua thực tế giám sát cho thấy chính sách này được doanh nghiệp đánh giá rất cao, vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích sản xuất, phát triển. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách này trong thời gian cho phù hợp với tình hình sản xuất của doanh nghiệp, người dân còn nhiều khó khăn, khả năng tự phục hồi và phát triển chưa thực sự bền vững.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): Nguyên nhân chính vẫn là con người
Điểm nổi bật nhất trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là những kết quả vĩ mô về tăng trưởng GDP, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội… đã đạt được.
Bên cạnh những kết quả tích cực, qua giám sát cho thấy, hạn chế lớn nhất, theo tôi, đó là không triển khai đúng hạn và đầy đủ các dự án, các gói ưu đãi khiến mục tiêu đề ra không đạt như kỳ vọng. Thứ nhất, tiến độ nhiều dự án đầu tư công chậm, không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm, đặc biệt là dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ - thông tin có tiến độ rất chậm. Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện. Thứ hai, các gói hỗ trợ chỉ giải ngân được tỷ lệ rất thấp. Đáng chú ý là những chính sách người dân, nhất công nhân lao động và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và chờ đợi như một “sự cứu cánh” thì kết quả lại hết sức khiêm tốn… Trong bối cảnh đó, nguồn lực của đất nước hết sức khó khăn, nhưng Chính phủ, Quốc hội đã cân đối dành nguồn lực để phân bổ cho Chương trình nhằm phục hồi kinh tế, nhưng thực tế chúng ta chưa sử dụng hết, sử dụng chưa hiệu quả. Đây được xem là một sự lãng phí.
Thống nhất với những nguyên nhân báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu, nhưng theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là yếu tố con người. Tôi thống nhất với những đánh giá của Đoàn giám sát, đó là hiện nay tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả.
Tuy nhiên, tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng. Hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân, một là văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị; hai là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.