Thúc đẩy đưa hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng
Trong Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: tiếp tục quán triệt sâu sắc, thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác ngoại giao, nhất là nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9.1.2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trong đó, tập trung vào các Điều ước, thỏa thuận quan trọng. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp song phương. Kịp thời cảnh báo các rủi ro, các rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại để kiến nghị điều chỉnh chính sách phù hợp; hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng.Tăng cường phối hợp đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Xây dựng tiêu chuẩn và triển khai các giải pháp để phát triển có hiệu quả ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo (Halal) tại Việt Nam, mở rộng tiếp cận thị trườngHalal còn nhiều tiềm năng.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận; đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch. Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Tận dụng tốt các nền tảng số để quảng bá hiệu quả, sáng tạo hơn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tăng cường phối hợp xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Chủ động đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở có đi có lại.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu: nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có giải pháp kết nối, tranh thủ nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài. Rà soát, hoàn thiện các quy chế, cơ chế tài chính, quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân, có phương án để sẵn sàng sơ tán công dân, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra xung đột; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để bảo hộ công dân trong các tình huống khủng hoảng; hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân bị cưỡng bức lao động và nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai việc bảo hộ công dân.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, tập trung nghiên cứu xây dựng dự án Luật về hàm, cấp ngoại giao thay cho Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao hiện hành; dự án Luật về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Nghiên cứu, tham mưu phương án mở thêm cơ quan đại diện tại một số địa bàn quan trọng; có kế hoạch xây dựng, cải tạo trụ sở và điều kiện làm việc của các cơ quan đại diện đồng bộ, hiện đại phù hợp với thế và lực của đất nước nhằm tăng cường năng lực triển khai hoạt động đối ngoại, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân và pháp nhân Việt Nam trong tình hình mới.
Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao. Nghiên cứu chế độ, chính sách gắn với hàm, cấp ngoại giao đối với cán bộ ngoại giao trong nước; chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng yêu cầu đối ngoại, cân đối với mặt bằng chung của khu vực ASEAN. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng dụng, thu hút nhân tài. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về đối ngoại; nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, nhận diện chính xác thời cơ, định vị đúng vị thế chiến lược của đất nước và tranh thủ tốt các xu thế quốc tế để chủ động có chủ trương, quyết sách, bước đi đối ngoại phù hợp. Khẩn trương ban hành Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.