Thuốc nội lép vế
Theo Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, thuốc sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ khoảng 55%, nhưng tỷ lệ thuốc nội sử dụng trong bệnh viện chỉ ở mức khoảng 38%, số tiền các bệnh viện chi cho thuốc ngoại chiếm phần rất lớn. Đơn cử tổng số tiền mua thuốc năm 2010 của hệ thống bệnh viện công lập là hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2009, nhưng tỷ lệ tiền thuốc nội chỉ chiếm 38,7%. Cơ cấu sử dụng thuốc theo đối tượng bất hợp lý, tiền thuốc BHYT chiếm 65,9%, đối tượng viện phí trực tiếp chiếm 28,7% trong tổng số tiền thuốc đã sử dụng.
Con số chênh lệch này cho thấy, mặc dù thị trường dược trong nước rất có tiềm năng như sức tiêu thụ lớn, phong phú nguồn dược liệu tự nhiên, song các doanh nghiệp dược đang bị thua đậm ngay trên sân nhà, chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, hệ thống các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, đông dược và vài trăm cơ sở nhỏ sản xuất thuốc đông dược. Điều đáng nói là hiện cả nước mới chỉ có một nhà máy sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp, sản lượng thiết kế khoảng 200 tấn dược phẩm thô mỗi năm...
Nguồn: vietstock.vn |
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thì ngành công nghiệp dược trong nước tuy đã có hàng chục năm nhưng rất yếu kém. Đặc biệt 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp dược nhưng kết quả không xứng kỳ vọng. Luật Dược được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thực thi 7 năm, nhưng nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược rất khó thực hiện vì vướng cơ chế, quản lý chồng chéo, thiếu nguồn lực, hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực dược cũng còn khá nhiều những bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn
Giải pháp căn cơ…
Để tạo bứt phá cho ngành công nghiệp dược, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng thuốc nội, qua đó tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020.
Theo Cục Quản lý dược, cùng với đề án này, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế chính sách, tiểu đề án nhằm khuyến khích nông dân, ưu đãi nhà đầu tư phát triển ngành dược liệu trong 10 năm tới, dự toán cho các chương trình này khoảng 400 tỷ đồng. |
Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2020, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trong nước, cơ sở y tế ưu tiên sử dụng thuốc nội; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến Trung ương đạt 22%, bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố đạt 50%, bệnh viện tuyến huyện đạt 75%; đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng thuốc của người dân; xuất khẩu thuốc sản xuất tại Việt Nam sang các nước mỗi năm tăng từ 5 - 10% so với năm trước. Tăng đầu tư kinh phí cho hoạt động truyền thông, quảng cáo về các sản phẩm thuốc được sản xuất tại Việt Nam, tạo chuyển biến nhận thức đúng về chất lượng, hiệu quả thuốc nội cho cộng đồng. Đề án chú trọng tuyên truyền nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc trong việc chỉ định sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí trong điều trị; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao vị thế ngành công nghiệp dược Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 là cuộc vận động rộng khắp, huy động tổng lực các ngành, các cấp và toàn thể mọi người dân Việt Nam tham gia, hưởng ứng và thay đổi nhận thức, có hành vi thói quen trong việc ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam trong chữa bệnh là biểu hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc.