Chậm quy trình dứt khoát không xem xét nữa
Chính phủ và các bộ, ngành phải rất nghiêm túc để rút kinh nghiệm. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng trình rất chậm, ngày 5.5 vừa qua Chính phủ mới có hồ sơ này để trình. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất bị động trong việc chuẩn bị.
Đến nay, dự kiến chương trình của Kỳ họp thứ Năm không có nội dung này vì theo nguyên tắc là phải báo cáo với Quốc hội xin ý kiến, khi có hồ sơ rồi muốn họp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải có thẩm tra sơ bộ của các Ủy ban. Các Ủy ban chỉ có mười mấy người, nhưng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì Chính phủ còn phải hoàn thiện hồ sơ để các Ủy ban có cơ sở thẩm tra chính thức. Ủy ban thẩm tra chính thức thì các đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban cũng sẵn sàng họp được, nhất là những việc đột xuất, không có lịch trước. Nếu họp toàn thể Ủy ban mà không đủ 50% thì biểu quyết không có giá trị gì. Chưa kể những vấn đề lớn như giảm thuế là chủ trương khác luật hiện nay thì Đảng đoàn Quốc hội còn phải tổng hợp để báo cáo Bộ Chính trị. Hiện nay, tất cả những nội dung trong phiên họp tháng 5 này chưa tổng hợp được để báo cáo Bộ Chính trị.
Tôi đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội giúp cho Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chấn chỉnh, nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này, nếu chậm quy trình là dứt khoát không xem xét nữa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không thể chạy theo mãi như thế này được. Tình trạng chậm hồ sơ rất nhiều, hôm nay họp là toàn bộ những nội dung bổ sung, kể cả trong mấy ngày vừa rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cũng vậy. Ý kiến của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói rất đúng, phải làm sao tăng cường kỷ luật trong vấn đề này.
Về nguyên tắc, tất cả các nội dung cho Kỳ họp thứ Năm đáng lẽ phải giải quyết xong trong phiên họp của tháng 4 hết, tháng 5 chỉ một số việc thường xuyên của Quốc hội, vì tất cả tài liệu phải gửi đại biểu Quốc hội trước ngày khai mạc Kỳ họp ít nhất 20 ngày, nếu chậm gửi sau ngày đấy Quốc hội bác bỏ thì không có lý do gì để nói cả. Cá nhân tôi rất nhiều lần phải đứng ra xin lỗi Quốc hội về chuyện chậm tài liệu. Chậm ở đâu tôi chưa biết, có bộ nọ, ngành kia, cơ quan nọ, cơ quan kia, nhưng với trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng tôi cũng phải nhận lỗi với Quốc hội. Tôi đề nghị tất cả Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban rất chặt chẽ việc này. Các đồng chí cương quyết thì các bộ mới cương quyết được, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới cương quyết được. Kỳ họp nào xong đại biểu Quốc hội cũng phê bình việc gửi tài liệu chậm thì chất lượng các kỳ họp sẽ giảm đi, không đủ thời gian để xem xét, thẩm tra.
Không điều chỉnh dự toán thu ngân sách và mức bội chi ngân sách
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng, tôi đồng ý chủ trương giảm nhưng đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khi ban hành Nghị quyết số 43, chúng ta đã đánh giá, tính toán kỹ lưỡng rồi. Tình hình thu của năm 2023 rất khó khăn, hiệu ứng ngược lại giảm để tăng thu là tư duy rất đúng nhưng chỗ này đánh giá chưa rõ, vì giai đoạn này khác với những giai đoạn trước, không biết ban hành ra có kích cầu được không, giai đoạn hiện nay rất khác so với sau đại dịch. Sau đại dịch người dân kìm nén chi tiêu lúc đó mới bung ra, còn bây giờ doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn, mình bung ra thì duy trì được tổng mức doanh thu hàng hóa bán lẻ như cũ. Nếu chỉ duy trì được mức như cũ thì có nghĩa là giảm thu, lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá thế này chưa rõ.
Bộ Tài chính báo cáo rất rõ rồi, nếu tính hết các yếu tố khách quan, tổng dự toán thực tế thu cũng đã thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 6%, quý I còn có dư địa của năm trước đã chuyển sang. Cho nên, chính sách này tôi cũng đồng ý nhưng phạm vi áp dụng như Nghị quyết số 43 là phù hợp, đúng với thực tiễn, chúng ta đã đánh giá rồi, có cơ sở rồi thì dễ thuyết phục Quốc hội, Chính phủ triển khai cũng sẽ rất nhanh vì đã có hành lang pháp lý của Nghị quyết số 43 rồi. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1.7 cho đến ngày 31.12.
Trong dự thảo Nghị quyết cũng phải quy định Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, triển khai kịp thời và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023 để bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Tổ chức thực hiện như nào cho khả thi, vừa có phần giảm để kích cầu, vừa lấy phần kích cầu đó để bù vào phần hụt thu, lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng cũng không làm giảm thu ngân sách trong giai đoạn hiện nay và không làm tăng bội chi ngân sách. Chúng ta không điều chỉnh chỉ tiêu này, Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Sau này không thể nói rằng vì việc này mà thu ngân sách giảm, bởi vì nếu vì việc này mà giảm thu ngân sách thì Quốc hội sẽ quyết định là không. Phải nói rõ và sòng phẳng như vậy.
Tôi đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các cơ quan xem xét nên chăng là trình tự, thủ tục thì như thế nhưng có đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp được không? Chúng ta bố trí thảo luận cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và đưa vào một điều hay một khoản nào đó trong nghị quyết chung của kỳ họp. Thủ tục thì vẫn theo trình tự của văn bản quy phạm pháp luật và cho bổ sung vào chương trình xem xét thông qua tại 1 kỳ họp. Đưa vào nghị quyết chung thì vừa đạt được yêu cầu, mục tiêu, vừa có thể tiết giảm tối đa được thời gian của kỳ họp, tránh gây xáo trộn dự kiến chương trình đã gửi đến đại biểu Quốc hội, tới đây chỉ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị, thêm thời gian đọc tờ trình, báo cáo thẩm tra, còn phần thảo luận tổ, thảo luận hội trường ghép chung với thảo luận kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thì sẽ thuyết phục và đơn giản hơn.