Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn gặp khó khăn về vốn
Theo báo cáo của Bộ Công thương tại hội nghị giao ban trực tuyến về xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ các năm trước, ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm nông lâm thủy sản có mức tăng cao nhất với 53%, đạt kim ngạch 4,68 tỷ USD. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản tăng mạnh cả về lượng và trị giá như cà phê tăng 46% về lượng và 115% về trị giá, cao su tăng 38% về lượng và 134% về trị giá, sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 62,5% về lượng và 100% về trị giá... Giá hàng hóa tăng đã đóng góp thêm khoảng 3 tỷ USD vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, còn tăng về lượng đóng góp thêm khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là tín hiệu tốt và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, theo phản ánh của hầu hết Hiệp hội, doanh nghiệp thì dường như bức tranh xuất khẩu không hoàn toàn lạc quan như những con số đã được thể hiện trong báo cáo. Để có thể giữ được mức tăng trưởng trong các quý tiếp theo không hề đơn giản bởi các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vấn đề đáng lo ngại nhất là khó khăn về vốn và tiếp cận vốn cho vay.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hữu Dũng cho biết, năm nay, ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với 3 khó khăn đặc thù là thiếu nguyên liệu, thu nhập của công nhân thấp và thiếu vốn, trong đó việc vay vốn trong điều kiện lãi suất cao là khó khăn lớn nhất. Ông Dũng lo ngại, với mức lãi suất vay lên đến 21 - 22% thì ngành thủy sản sẽ không đủ sức vươn xa để cạnh tranh với thủy sản thế giới. Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Nguyễn Thái Học, kế hoạch xuất khẩu nhân điều năm nay là khoảng 1,5 tỷ USD. Quý II là thời điểm các doanh nghiệp điều bắt đầu thu mua nguyên liệu từ các nước châu Phi về chế biến nhưng hiện tại các doanh nghiệp không đủ vốn để thu mua vì lãi suất vay và điều kiện thế chấp (khoảng 30% giá trị vay) đều quá cao. Không vay thì không mua đủ nguyên liệu, còn vay thì chắc chắn lỗ. Với mặt bằng giá mới tăng 1,8 lần, hiện mỗi tấn nhân điều các doanh nghiệp đang chịu lỗ 400 USD. Tổng nhu cầu vốn của ngành điều khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp chỉ tự cân đối được khoảng 5-6.000 tỷ đồng, số còn lại phải vay ngân hàng nhưng mới chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu vay. Do đó, thực tế không mong muốn là năm nay các doanh nghiệp điều đều phải thu hẹp mà không dám mở rộng sản xuất.
Cũng cùng mối lo lãi suất vay quá cao sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh Trần Quốc Mạnh cho biết, hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất trên dưới 20%, thậm chí đến 24%, chưa kể giá điện, xăng dầu tăng cao khiến sản phẩm làm ra không thể bù đắp được chi phí. Từ thực tế này, các Hiệp hội, doanh nghiệp đều đề xuất sớm có các biện pháp giải quyết bài toán vốn như các ngân hàng ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn để thu mua đủ nguyên liệu chế biến, giảm điều kiện thế chấp xuống 10 - 15% tùy theo uy tín và tình hình sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp…
Phát huy vai trò cầu nối của Hiệp hội
Phản ánh của các doanh nghiệp là vậy, tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thì đã thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ trong năm nay ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, hạn chế cho vay vốn vào những lĩnh vực phi sản xuất như đầu tư bất động sản, chứng khoán... Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VIB) Trần Phú Minh, năm 2010, VIB đã cho vay xuất khẩu 20.000 tỷ đồng và năm nay tăng lên đến 30 - 35.000 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên cho ngành thủy sản 20 - 30%, còn cho vay đối với các mặt hàng chiến lược theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ tăng thêm hạn mức cho các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn. Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Trần Hồng Hạnh thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước luôn ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ với khung lãi suất thấp nhất. Ngân hàng còn cho vay không có bảo đảm, được miễn thuế về giao dịch bảo đảm trên cơ sở có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể... Nhưng một trong những điều kiện để được Ngân hàng cho vay là doanh nghiệp phải bảo đảm khả năng trả nợ, vì vậy vấn đề là các doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện để được vay hay không - bà Hạnh nhấn mạnh.
Việc chưa gặp nhau trong các ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp và các ngân hàng cho thấy, rõ ràng các chính sách ưu đãi về vốn đã có nhưng vẫn chưa đến với được các doanh nghiệp. Mà chừng nào chính sách còn nằm trên giấy thì sẽ không có tác dụng. Do vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, các Hiệp hội cần phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng nhằm bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong hiệp hội. Có thể lấy trường hợp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) làm bài học, đó là bằng uy tín của mình, VFA đã cung cấp cho các ngân hàng danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mua tạm trữ. Doanh nghiệp được vay vốn, còn ngân hàng thì cũng yên tâm hơn khi cho vay.
Vấn đề quan trọng hơn cần lưu ý ở đây đã được một số doanh nghiệp đề cập đến là, do độ trễ của chính sách thắt chặt tiền tệ nên các khó khăn chưa thể hiện hết ngay trong quý I mà có thể đến cuối năm hoặc đầu năm 2012 mới bộc lộ hết. Khi đó, giá cao, chi phí đầu vào cao và lãi suất ngân hàng sẽ làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới giảm. Do đó việc cần thiết ngay bây giờ là các cơ quan quản lý nhà nước cần chung tay với các doanh nghiệp, có các biện pháp thiết thực giúp doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, trong đó có khó khăn về vốn để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát trong năm nay.