Việc bỏ biên chế suốt đời đối với viên chức giành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội trong suốt quá trình thảo luận dự thảo Luật này, cũng như cử tri và dư luận. Đây được đánh giá là một trong những quy định tiến bộ, nhằm xóa bỏ tư tưởng “có vào mà không có ra”, là nguyên nhân tạo nên sức ỳ của bộ máy.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít cán bộ, viên chức trong quá trình thực thi công vụ đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình, thậm chí cố tình gây khó dễ với người dân, tổ chức, khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tình trạng “chi phí gầm bàn” hay “lót tay” mà người dân, doanh nghiệp phản ánh chính là biểu hiện tiêu cực của viên chức, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân, kéo giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Một nguyên nhân khác ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của bộ máy là có những cán bộ, viên chức làm việc “cầm chừng” theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, coi cơ quan chỉ là nơi “ghé chân” để hưởng lương, không cần biết hiệu quả công việc mình làm có đáp ứng yêu cầu hay không.
Việc tồn tại viên chức cố tình lợi dụng vị trí công tác của mình để gây nhũng nhiễu, tiêu cực, hay những viên chức hưởng lương nhưng không làm việc, cho thấy công tác tuyển dụng, sử dụng viên chức của chúng ta thời gian qua “có vấn đề”. Điều đáng nói là, biết là không hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng để đưa những người này ra khỏi bộ máy không dễ. Bởi, họ - những viên chức làm việc có tính chất điểm danh nhưng lại luôn có một tấm vé bảo vệ đặc biệt, đó là “có vào mà không có ra”.
Để khắc phục tình trạng này, thanh lọc được những đối tượng là viên chức làm việc cầm chừng ra khỏi bộ máy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đã có quy định chặt chẽ về hợp đồng làm việc của viên chức. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 2 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Luật cũng quy định rõ, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức áp dụng đối với 3 trường hợp cụ thể: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức và người được tuyển dụng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1.7.2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Có thể thấy, quy định này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, phù hợp với yêu cầu cần có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời” mà Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã đề ra. Nếu không bảo đảm yêu cầu chất lượng công việc, viên chức buộc phải rời vị trí việc làm đó cho người xứng đáng hơn. Do đó, muốn giữ được chỗ đứng trong trong bộ máy, không còn cách nào khác, viên chức phải nỗ lực không ngừng và làm việc trách nhiệm hơn, chấm dứt tình trạng làm việc nửa vời.