Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), sáng 25.10, cùng dẫn chứng những số liệu “biết nói” về hiệu quả của hoạt động thanh tra trong lĩnh vực thuế tại tỉnh Quảng Ninh.
Cần rà soát, bổ sung quy định cụ thể hơn về Thanh tra viên
Theo đánh giá của đại biểu, về cơ bản dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã xử lý được nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, có: Việc tổ chức các cơ quan theo cấp hành chính; tiêu chí thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; trình tự thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; phân biệt giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra; xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra nói riêng, giữa thanh tra và kiểm toán...
Tham gia góp ý hoàn thiện một số nội dung của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, tại Chương III về Thanh tra viên đã quy định cụ thể một số nội dung, các nội dung còn lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Thể hiện như vậy một mặt chưa đảm bảo tính bao quát của văn bản Luật, mặt khác có nguy cơ bỏ trống một số nội dung cần được quy định cụ thể như: Yêu cầu về nhiệm vụ, trình độ, thâm niên công tác; những việc thanh tra viên không được làm; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; điều kiện bảo đảm hoạt động đối với thanh tra viên... Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung quy định cụ thể, đầy đủ hơn về Thanh tra viên tại Chương III.
Trường hợp việc quy định cụ thể, chi tiết về thanh tra viên trong Luật Thanh tra mà chiếm dung lượng quá lớn, không cân đối với nhiều nội dung quan trọng khác thì chỉ nên thể hiện thành các Điều quy định khái quát về thanh tra viên, ngạch thanh tra viên, chế độ, chính sách đối với thanh tra viên. Đồng thời, đưa quy định tại Điều 113 lên Chương III. “Các nội dung khác giao cho Chính phủ quy định cho phù hợp với nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, công chức”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, lược bỏ Điều 100 của dự thảo quy định “Giá trị của kết luận thanh tra”. Chia sẻ về đề nghị này, đại biểu cho biết: nội dung của kết luận thanh tra là cơ sở pháp lý để Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xử lý và chỉ đạo tổ chức thực hiện những nội dung được nêu trong kết luận thanh tra. Trong khi đó, những nội dung này đã được thể hiện rất đầy đủ và cụ thể tại các Điều 101, 102 và 103 về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kết quả truy thu thuế qua thanh tra cao hơn rất nhiều so với kiểm tra
Trong phần tham gia ý của mình, vị ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng bày tỏ tán thành với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung quy định thành lập cơ quan thanh tra tại Cục thuộc Tổng cục được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương.
Dẫn chứng thông tin nắm được qua TXCT tại Quảng Ninh, đại biểu cho biết: Từ 2017 - 2021, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện 6.375 cuộc thanh tra, kiểm tra; tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là: 1.790 tỷ đồng; giảm khấu trừ: 270 tỷ đồng, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra là: 3.634 tỷ đồng. Trong đó, đã có 601 cuộc thanh tra được thực hiện (chiếm tỷ lệ 9% tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra) với tổng số thu là 605 tỷ đồng, chiếm 33,8 % số thu qua thanh tra, kiểm tra; bình quân số tăng thu của một cuộc thanh tra nộp NSNN là khoảng 1 tỷ đồng/cuộc. Về kiểm tra, đã thực hiện 5.744 cuộc, chiếm tỷ lệ 81% tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổng số thu qua kiểm tra là 985 tỷ đồng, chiếm 66,2% số thu của thanh tra, kiểm tra. Bình quân cuộc kiểm tra đạt 171 triệu đồng/cuộc.
Theo đại biểu, từ số liệu trên có thể đánh giá, kết quả xử lý truy thu thuế qua thanh tra cao hơn rất nhiều so với kiểm tra. Thông thường các cuộc thanh tra chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, rủi ro cao, cần nhiều thời gian để thu thập thông tin, xác minh, làm rõ những nghi vấn, dấu hiệu gian lận về thuế...
Trong khi đó, theo quy định hiện hành về quản lý thuế, cơ chế tự tính, tự khai và tự nộp là cơ chế ưu việt trong quản lý thuế. Cơ chế này đề cao ý thức, trách nhiệm của người nộp thuế tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp người nộp thuế ý thức chưa cao, còn tình trạng trốn tránh nghĩa vụ thuế; kê khai giảm nghĩa vụ thuế phải nộp. Đặc biệt, các hành vi vi phạm của người nộp thuế ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Do đó, đòi hỏi hoạt động thanh tra thuế của cơ quan thuế phải chuyên nghiệp hơn, áp dụng nhiều giải pháp theo quy định của Luật Thanh tra.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, nếu nhiệm vụ thanh tra thuế chỉ tập trung tại cơ quan thanh tra của Tổng cục Thuế thì sẽ tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan này. Vì việc nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế tại địa phương do các Cục Thuế quản lý, theo dõi.
“Do tính chất quan trọng của hoạt động thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị ngành dọc trực thuộc Tổng cục và tương đương đóng tại địa phương (cấp tỉnh), nên việc thành lập cơ quan thanh tra ở các đơn vị này là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.