Đại biểu Chamaléa Thị Thủy nhất trí với việc phải xem xét sửa đổi Luật Việc làm để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về chính sách việc làm. Đồng thời, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nhu cầu, xu hướng phát triển kinh tế trong nước, ở khu vực và thế giới.
Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định để bảo đảm trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm. Bởi theo đại biểu, tại Chương VIII quy định Quản lý nhà nước về việc làm, gồm 3 Điều: từ điều 90 đến Điều 92, những quy định chưa rõ trách nhiệm.
Đơn cử, tại Khoản 4 Điều 90 quy định nội dung quản lý nhà nước về việc làm: “4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, chỉ có chính sách về bảo hiểm thất nghiệp là có quy định về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm (tại Mục 10, Chương VII), còn các chính sách khác nếu vi phạm thì sẽ được giải quyết như thế nào?
Đại biểu lấy ví dụ: khi người lao động bị lừa “việc nhẹ lương cao” thì trong trường hợp này, nạn nhân và gia đình sẽ cầu cứu đến cơ quan cụ thể nào để được hỗ trợ, giải quyết; các hành vi truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về người lao động trái pháp luật, các hành vi bị cấm khác nếu vi phạm thì xử lý ra sao, cơ quan chức năng cụ thể nào có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết…
Cùng với đó, theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, dự thảo Luật đã quy định nhiều chính sách liên quan đến việc làm. Nhưng việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm theo rất chung chung và cũng chưa có quy định hình thức xử lý như thế nào đối với các hành vi vi phạm pháp luật về việc làm. Vì vậy, đại biểu kiến nghị phải nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các hình thức xử lý vi phạm pháp luật để hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm.
Đại biểu cũng cho biết tại điểm đ, khoản 3, Điều 60 dự thảo Luật quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo là: “đ) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng”. Tại khoản 2, Điều 65 dự thảo Luật quy định: “2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”.
Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại các quy định này vì quy định như dự thảo Luật sẽ gây thiệt thòi cho người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dài hơn (trên 144 tháng).
Theo đại biểu, nên điều chỉnh theo hướng người lao động được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đã đóng (cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp); hoặc nếu vẫn giữ quy định “cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng” thì cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo sẽ phù hợp hơn.
Đồng thời, bảo đảm tối đa quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm thất nghiệp là “có đóng, có hưởng” tương xứng. Đây cũng là một trong những vấn đề người lao động rất quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhất là khi đang bị thất nghiệp.