Cụ thể hóa hoặc giao trách nhiệm quy định chi tiết
Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội lần này, đặc biệt là đổi mới trong xây dựng pháp luật đã được thể hiện rõ nét trong bố cục cũng như nội dung dự thảo Luật. Tham gia ý kiến về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), ĐBQH Lã Thanh Tân cho rằng: đây là quy định chung nằm ở Chương I, tuy nhiên, nội dung tại Điều này lại đưa ra rất nhiều trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành các chính sách về việc làm. Trong đó, có những chính sách rất mới và khó như chính sách khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm xanh; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển đổi năng lượng công bằng; chính sách thúc đẩy việc làm công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế và theo hướng bền vững...
Tuy nhiên, nội hàm các chính sách này chưa được cụ thể hóa tại dự thảo Luật Việc làm và cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết. Với quy định mang tính chất “tuyên ngôn” như vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc, rà soát theo hướng: nếu giữ lại thì cần cụ thể hóa nội dung chính sách hoặc giao trách nhiệm quy định chi tiết; nếu không cần thiết hoặc không làm rõ được nội hàm chính sách thì đề nghị bỏ.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung Điều 5 về chính sách hỗ trợ việc làm đối với người thuộc diện thu hồi đất, vì thực tế trong nhiều năm qua và những năm sắp tới, nước ta thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế và cần thu hồi đất nên ảnh hướng đến tình hình việc làm của người lao động.
Làm rõ thông tin “vị thế việc làm”, “loại hình nơi làm việc”
Đối với việc đăng ký và quản lý lao động (Chương III). Đây là nội dung mới so với Luật Việc làm hiện hành nhằm quản lý nguồn lao động; xây dựng và hoạch định các chính sách về việc làm; tạo thuận lợi cho người lao động trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về việc làm; bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về việc làm. Cơ bản tán thành với sự cần thiết cũng như những nội dung của dự thảo Luật về vấn đề này, tuy nhiên đại biểu đề nghị cân nhắc thêm 2 nội dung.
Về thông tin đăng ký: khoản 1 Điều 22 quy định 5 nhóm thông tin đăng ký lao động, bao gồm thông tin cơ bản, thông tin về trình độ chuyên môn, thông tin về việc làm, thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thông tin đối tượng yếu thế, đặc thù. Đại biểu đề nghị làm rõ trong dự thảo Luật này các trường thông tin về việc làm, nhất là thông tin về “vị thế việc làm”, “loại hình nơi làm việc”, vì đây là nhóm thông tin rất quan trọng hình thành nên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động.
Đối với việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động tại Điều 26, đại biểu đề nghị rà soát với quy định của dự thảo Luật Dữ liệu để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật này với Luật Dữ liệu.
Hội đồng chung hay gắn với từng nghề, nhóm nghề?
Thành lập Hội đồng kỹ năng nghề (Điều 37) là quy định mới so với Luật Việc làm hiện hành. Hiện tại, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025, từ đó nghiên cứu để mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn tiếp theo. Đại biểu đề nghị cơ quan trình thông tin thêm về kết quả thực hiện việc thí điểm này và dự kiến về vị trí pháp lý cũng như mô hình hoạt động của Hội đồng kỹ năng nghề này, là Hội đồng chung hay là Hội đồng gắn với từng nghề, nhóm nghề nhất định?
Góp ý về quyền, trách nhiệm của người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (khoản 4 Điều 38), đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “được miễn thử việc” khi giao kết hợp đồng lao động với Người sử dụng lao động trong trường hợp tuyển dụng, sử dụng lao động đúng với công việc họ đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Mục đích nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi họ phải nộp tiền dịch vụ để đánh giá kỹ năng nghề nhưng khi ký hợp đồng lao động họ lại vẫn phải thử việc theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ không khuyến khích được người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề. Việc quy định như dự thảo không tạo được sự khác biệt giữa người lao động đã được cấp chứng chỉ nghề quốc gia và người chưa tham gia đánh giá kỹ năng.
Về tổ chức đánh giá kỹ năng nghề (Điều 39), đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung liên quan đến thẩm quyền của địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề. Việc không quy định thẩm quyền quản lý cho các địa phương sẽ gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương đối với lĩnh vực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề do đây là một ngành nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện.