Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học
Dành thời gian phát biểu về chính sách đất đai cho giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân, bổ sung nhiều điều khoản mới phù hợp hơn về nhu cầu phát triển của nền kinh tế, Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉnh lý một số quy định dự thảo luật trong quản lý, sử dụng đất đai thuộc các lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên, theo đại biểu vẫn còn nhiều vấn đề, trong đó có những chính sách căn cơ về đất đai, tháo gỡ cho các bất cập của lĩnh vực này chưa được thể hiện rõ ràng.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần có quy định riêng chính sách đặc thù về đất đai cho giáo dục. Lý giải về đề xuất này, theo đại biểu, Hiến pháp, Nghị quyết 29 của Trung ương và Luật Giáo dục quy định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển được ưu tiên đi trước trong các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, giáo dục đang rất cần đầu tư đồng bộ, trong đó việc đầu tư chính sách đất đai cho giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nếu không có chính sách phù hợp, đủ mạnh thì sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong giáo dục, làm méo mó chủ trương xã hội hóa giáo dục của nước ta.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình)
“Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển, đặc biệt là bài học được các nhà khoa học nhắc đến nhiều nhất là Luật cấp đất cho trường đại học của Mỹ đã tạo bệ phóng cho giáo dục phát triển, góp phần rất quan trọng vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ” – đại biểu nêu dẫn chứng.
Trong khi đó, theo đại biểu, ở nước ta hiện nay, quy hoạch đất cho giáo dục còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn, chính sách xã hội hóa giáo dục còn rất nhiều khó khăn, vướng nhất là do chính sách đất đai, đất giáo dục cao, nhà đầu tư thuần giáo dục cũng khó đạt được.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tới 263 điều, có nhiều quy định khá cụ thể cho các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, có nhiều điều quy định về đất cho các lĩnh vực, tuy nhiên chưa có điều quy định riêng về đất giáo dục. Đất giáo dục được quy định chung với đất của đơn vị sự nghiệp công lập hòa vào quy định đất với các lĩnh vực khác, chưa quy định được các vấn đề đặc thù, chính sách riêng, cụ thể, rõ ràng, đủ mạnh cho xã hội hóa giáo dục. Dường như dự thảo Luật đang đánh đồng chính sách đất của trường ngoài công lập, trong đó có trường tư không vì lợi nhuận với các tổ chức kinh tế. Khi xây dựng các luật chuyên ngành về giáo dục, các quy định về đất đai giáo dục thì chờ quy định trong Luật Đất đai nhưng với quy định như dự thảo thì chưa rõ.
Khuyến khích ưu tiên sử dụng đất cho phát triển giáo dục
Để tháo gỡ những vướng mắc về đất đai đối với giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị, dự thảo Luật cần có các điều riêng về đất cho giáo dục để thể hiện rõ các đặc thù trong chính sách và quản lý đất cho giáo dục.
Đại biểu đề nghị, cần có điều riêng hoặc là bổ sung quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật về chính sách khuyến khích ưu tiên sử dụng đất cho phát triển giáo dục.
Về chính sách đất cho trường công lập tự chủ, đại biểu bày tỏ nhất trí với dự thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bỏ quy định các cơ sở giáo dục tự chủ phải nộp tiền sử dụng đất và bổ sung quy định các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền và bổ sung quy định trong trường hợp có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại khoản 3 Điều 32. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn cho cả cơ sở giáo dục từ chủ, vì tại Điều 99 và một số điều khác vẫn có những tách bạch giữa đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt đối với cơ sở giáo dục khi sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì phải bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và phát triển, phù hợp với môi trường giáo dục, văn hóa học đường.
Quan tâm đến chính sách đất cho xã hội hóa giáo dục, đại biểu cho rằng, trong liệt kê đối tượng sử dụng đất cần bổ sung các cơ sở công lập hoạt động không vì lợi nhuận tại Điều 5 và rà soát trong tổng thể dự thảo Luật, không đánh đồng các cơ sở tư thục phi lợi nhuận với các tổ chức kinh tế.
Cùng với đó, cần luật hóa các chính sách về đất đai đã được quy định tại các nghị quyết và văn bản pháp luật về xã hội hóa giáo dục trong thời gian qua. Cụ thể là Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
Để tạo chính sách khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đại biểu cũng đề nghị, cần bổ sung vào Điều 157 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các cơ sở giáo dục này. Dự thảo tại điều này quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện với 10 trường hợp nhưng chưa có quy định cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Đây là điểm bất cập, chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về chính sách khuyến khích xã hội hóa nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Hiện nay chính sách xã hội hóa giáo dục đã có bước phát triển mới với việc phát triển các dự án theo quan hệ đối tác công - tư. Việc thực hiện quy định này đều có liên quan đến việc giao đất và thuộc sử dụng đất giáo dục. Nhấn mạnh điều này, đại biểu đề nghị, cần xem xét bổ sung trong dự thảo Luật các quy định về đất đai triển khai các dự án theo hình thức đối tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục.