Nguyễn Thị Kim Anh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Không chỉ với công chúng mà ngay cả những người sản xuất phim lâu nay vẫn xem điện ảnh như một tác phẩm nghệ thuật chứ chưa xem đó là sản phẩm của công nghiệp điện ảnh. Trong khi điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật tổng hợp có thế mạnh kết hợp và cộng hưởng sức mạnh để phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa khác, là ngành kinh tế sáng tạo có khả năng thu lợi để phát triển thị trường. Phải đặt đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước phát triển ngành điện ảnh.
Đơn cử như khi phim “Kong: Đảo Đầu lâu” chọn bối cảnh ghi hình tại Tràng An, Vân Long (Ninh Bình), địa danh này đã tạo thành cơn sốt thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Thông qua điện ảnh, thế giới biết đến con người, đất nước Việt Nam nhiều hơn. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh đạo diễn phim này với vai trò đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020.
Rõ ràng, phong cảnh thiên nhiên Việt Nam dù vẫn mang vẻ đẹp độc đáo nhưng sẽ ít người thấy được nếu như không có những tác phẩm điện ảnh giàu giá trị nghệ thuật. Vì vậy, trong dự án luật, đầu tiên, tôi đề nghị nhấn mạnh chính sách ưu đãi để “kéo” các nhà sản xuất, phát hành phim trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Khi điện ảnh phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành du lịch, quảng bá con người, văn hóa, du lịch của đất nước và tạo ra nguồn thu rất lớn.
Thứ hai, cơ sở vật chất phải đầy đủ cho hoạt động làm phim để các đạo diễn, sản xuất phim thế giới tìm đến.
Thứ ba, dự án luật cần xác định cụ thể các đối tượng được hưởng quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, quyền tác giả, các quyền liên quan… trong tác phẩm điện ảnh. Những quyền này nếu được xác định, với những bộ phim bom tấn hay có doanh thu cao, quyền lợi của những người được xác định cũng sẽ tăng lên tương ứng với doanh thu của phim.
Thứ tư, về phổ biến phim trên không gian mạng, tôi cho rằng việc giao cho các nhà cung cấp phim trên không gian mạng tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại và cảnh báo theo quy định về phân loại phim theo tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định là khả thi, và cần thực hiện theo hướng hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Thực tế, nội dung phim trên không gian mạng rất lớn, hàng chục, hàng trăm phim một ngày, gây quá tải cho Hội đồng thẩm định. Và Hội đồng thẩm định chỉ có thể là đơn vị tư vấn cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứ không thể thay mặt cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung. Việc quy định hậu kiểm sẽ rõ trách nhiệm của cả đơn vị cung cấp phim và của cơ quan quản lý nếu để lọt phim có những nội dung, tính chất vi phạm hoặc không phù hợp thuần phòng, mỹ tục của Việt Nam.
Nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan cũng trao quyền cho các tổ chức phát hành phim phân loại phim theo các tiêu chí cụ thể. Tại Việt Nam, tôi cho rằng cũng cần xây dựng một bộ tiêu chí phân loại chi tiết rõ ràng để các nhà làm phim có căn cứ để kiểm soát các nội dung phim của mình và có công cụ để người xem có thể phản ánh nội dung vi phạm.
Thứ năm, cần rà soát thêm để nội dung dự án luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và công nghệ… Thống nhất xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để kiểm soát những nội dung xấu độc khi phát tán trên không gian mạng.
Cuối cùng, là về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tôi băn khoăn với việc quy định quỹ này bởi chưa làm rõ nguồn thu trong dự án luật và nội dung chi trùng với ngân sách Nhà nước. Theo dự thảo nghị định hướng dẫn kèm theo hồ sơ luật, nguồn thu trích từ tỷ lệ doanh thu chiếu phim, doanh thu của doanh nghiệp phổ biến phim qua internet và Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ khi mới thành lập, tuy nhiên vốn điều lệ này chưa quy định rõ là bao nhiêu. Hay nguồn thu 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,5% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình cũng cần phải cân nhắc vì căn cứ nào để xác định tỷ lệ này.
Luật Điện ảnh năm 2006 đã có quy định về quỹ nhưng thực tế cho đến nay quỹ chưa được thành lập, thực tiễn đã chứng minh không có quỹ thì điện ảnh vẫn phát triển. Tôi cho rằng, không nên lập thêm quỹ ngoài Nhà nước trong dự án luật này.