Thiếu sự kết nối
Khi đề tài khoa học xã hội được nghiệm thu thì sẽ chuyển giao đi đâu? Có đúng địa chỉ và có hiệu quả sử dụng không? Đây là câu hỏi mà Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đặt ra trong cuộc làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2011 - 2020.
Theo lãnh đạo Viện Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện đang chủ yếu làm nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và kết quả của nghiên cứu cơ bản chắc chắn có tác động lớn đến tư vấn chính sách. Khi hoàn thành các đề tài khoa học chúng tôi đều có công bố kết quả nghiên cứu tại các diễn đàn, hội thảo; sẵn sàng chia sẻ để góp ý vào chính sách. Vướng là, tại sao khi hoàn thành đề tài nghiên cứu, các nhà khoa học lại phải tự tìm điểm đến của đề tài (?) Tại sao các đề tài khoa học phải ghi rõ đề tài này góp ý vào nghị định này, đề tài này góp ý vào nghị định kia… mà không phải nhà khoa học xã hội được tự do nghiên cứu, nhà chính sách tìm đến và sử dụng đề tài nghiên cứu? Phải chăng chúng ta đang thiếu sự kết nối giữa các nhà khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học xã hội với các nhà hoạch định chính sách.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết thêm, thực hiện chính sách khoa học công nghệ trong lĩnh vực khoa học xã hội rất đặc thù. Khoa học xã hội ứng dụng như thế nào thì cân, đong, đo, đếm khó lắm; nó là sự thẩm thấu qua nhiều kênh rồi mới đưa vào chính sách, nghị quyết. Đơn cử, chúng ta đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ XI quan điểm: kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Kết quả này khác so với khoa học tự nhiên, khác so với việc sáng tạo máy móc, dây chuyền.
Nhìn lại quá trình phát triển của đất nước ta, rất nhiều chính sách đều có dấu ấn của đề tài khoa học xã hội.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho rằng, thời gian tới, các nhà khoa học xã hội cần cơ chế, chính sách có tính chất "mở khóa" để kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội được sử dụng. Đương nhiên, kết quả nghiên cứu khoa học xã hội đó phải tốt, được công nhận, thì mới được cân nhắc đưa vào chính sách. Muốn vậy, sáng kiến đưa ra, kết quả nghiên cứu khoa học xã hội đưa ra phải có cơ quan chính sách đủ tầm để thấy được đâu là sáng kiến lớn, sử dụng đúng lúc, đúng thời cơ, từ đó tạo ra sự thay đổi trong cục diện phát triển đất nước.
Cung cấp luận cứ, luận chứng khoa học
Khẳng định vai trò của các nhà khoa học xã hội đã đóng góp vào sự phát triển đường lối, lý luận chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, trong khoa học và công nghệ, đề tài nghiên cứu khoa học xã hội còn giúp làm sáng tỏ góc độ quan hệ sản xuất - một vấn đề mang tính chất nền tảng chính trị.
Chỉ ra nhiều đề tài nghiên cứu khoa học xã hội rất tốt, nhưng chưa đủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, nhiều vấn đề tồn đọng từ lâu, chưa được đề tài nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm giải quyết, như nội hàm chính sách dân tộc chưa được hiểu thống nhất; câu hỏi về khái niệm vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn bỏ ngỏ. Hay nội hàm của quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc như thế nào? Mới đây là vai trò của Hội đồng Dân tộc trong thẩm tra bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh… Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, chúng tôi rất cần sự tham gia của các nhà khoa học xã hội trong những vấn đề nêu trên.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng thẳng thắn nêu ra, có những kết quả nghiên cứu khoa học xã hội cũng chưa thực sự tốt, có những kiến nghị trong đề tài nghiên cứu đã được đưa ra cách đây 10 năm. Vấn đề này cần sớm được khắc phục. Đồng thời, khi đưa ra các kiến nghị trong đề tài nghiên cứu khoa học xã hội phải chắt lọc hơn. Chúng tôi không thể ôm cả đề tài dày cộm được, nên đưa ra những luận điểm, luận cứ rõ ràng, cụ thể thì tác động, ảnh hưởng và việc tiếp thu cũng sẽ nhanh hơn. Đừng để “mấy trăm trang nhưng sử dụng chưa được bao nhiêu”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nói.
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc cũng ghi nhận ý kiến của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội về việc chưa có quy định pháp luật về chia sẻ, trao đổi thông tin giữa cơ quan nghiên cứu, cơ quan sử dụng và cơ quan quản lý. Điểm nghẽn này cần sớm được giải quyết. Tới đây, Đoàn giám sát đề nghị Viện cần nghiên cứu đề tài khoa học xã hội trong các vấn đề mới; nghiên cứu các đề tài khoa học xã hội trong các quy định của chính sách, với đầy đủ luận chứng, luận cứ khoa học. Chú ý các đề tài nghiên cứu liên quan đến các chính sách pháp luật mà Quốc hội thảo luận, ban hành.
Đối với chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ phục vụ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, để có được những kiến nghị, đề xuất sát sườn cho nội dung này.