Quy định cụ thể nội dung chính sách ưu đãi
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học về phát triển công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới… Để các chính sách này có thể triển khai trên thực tế, ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hóa) đề nghị,cần quy định cụ thể những ưu đãi là gì, trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
Về mặt kỹ thuật, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, có những chính sách không thể quy định cụ thể ngay trong luật mà cần phải quy định trong các văn bản dưới luật hoặc dẫn chiếu tới các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, tại Luật Dược hiện hành cũng như dự thảo Luật chưa quy định rõ việc giao quy định chi tiết các chính sách này, hoặc chưa có dẫn chiếu tới các quy định tại các luật khác có liên quan. Do vậy, đại biểu Lê Văn Cường đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách về dược.
Điểm a, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 của Luật Dược quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết danh mục thuốc, nguyên liệu thuốc được ưu tiên”; đồng thời, bổ sung quy định tại Điều 7 của Luật Dược theo hướng ghi rõ nội dung được ưu đãi đầu tư, các chính sách hỗ trợ đầu tư kèm theo thời gian áp dụng, phạm vi áp dụng, một số nội dung như: thuế ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy, bên cạnh việc bổ sung nhiều chính sách, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc…, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định nhằm cải thiện quy trình cấp số đăng ký thuốc. Theo đại biểu, đây là việc làm cần thiết bởi hiện nay quy trình cấp số đăng ký thuốc của nước ta đang thực hiện theo kiểu “cấp không có định hướng”, dẫn đến tình trạng quá tải, chậm cập nhật các thuốc mới, nhiều số đăng ký trong một hoạt chất, kể cả những thuốc sản xuất được trong nước, dẫn tới dễ phát sinh cơ chế “xin - cho”, tiêu cực, khó lựa chọn thuốc trong đấu thầu, cuối cùng chỉ là chọn thuốc “giá rẻ”.
Do đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, dự thảo Luật cần có định hướng thuốc nào cần được ưu tiên, thuốc nào cần hạn chế cấp số đăng ký và muốn hạn chế thì cần sử dụng hàng rào kỹ thuật, thẩm định điều kiện sản xuất thực tế chứ không chỉ trên giấy tờ; sử dụng các tổ chức chuyên nghiệp như các nước trên thế giới đang làm.
Đại biểu cũng nêu một nghịch lý hiện nay là chúng ta muốn ưu tiên sản xuất thuốc trong nước nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp dược tên tuổi trong nước gần như đã bị “vốn ngoại thôn tính” do khi chúng ta mở room cho kênh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dược theo Nghị định 60 năm 2015 và Nghị định 155 năm 2020 thi hành Luật Chứng khoán. Điều này dẫn đến hệ lụy về nguy cơ mất an ninh dược phẩm. "Luật Dược cần thể hiện vai trò luật chuyên ngành, phải có các quy định về điều kiện cần thiết, chi phối sâu hơn vai trò và quyền hạn nhà đầu tư nước ngoài đang kinh doanh đa ngành khi muốn bước vào đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Phát huy thế mạnh về dược liệu và thuốc cổ truyền
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, để phát triển công nghiệp dược trong nước thì cần phát huy thế mạnh của nước ta về dược liệu và đông y, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng cho rằng, nội dung này trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, chưa đủ để phát triển lĩnh vực này.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận thấy, dự thảo Luậtchưa có cơ chế khuyến khích phát triển thuốc đông y trong khi sản xuất thuốc đông y là thế mạnh dược phẩm của Việt Nam và có truyền thống lâu năm. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này đầy đủ và hoàn thiện hơn. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, cần có những cơ chế cụ thể, trực tiếp hơn để tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực này.
ĐBQH Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nêu thực tế, phát triển dược liệu đã được đề cập trong rất nhiều văn bản luật, chiến lược, nghị định... Nhiệm vụ này được giao rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân nhưng đến nay phát triển dược liệu vẫn nhiều khó khăn với 5 cái thiếu cơ bản: thiếu tập trung, thiếu thị trường, thiếu cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho phát triển, thiếu công nghệ và thiếu mô hình tổ chức sản xuất phù hợp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, dược liệu được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý thừa nhận là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh do Việt Nam có điều kiện thuận lợi được thiên nhiên ưu đãi đa dạng sinh học, kho tàng tri thức sử dụng phong phú của các cộng đồng dân tộc khác nhau. Đặt vấn đề này, đại biểu Trần Văn Sáu cũng nhấn mạnh, cần thiết nhìn nhận lại, xây dựng chiến lược, rà soát, bổ sung hoặc loại bỏ những chính sách không còn phù hợp để tổ chức triển khai phát triển dược liệu ở Việt Nam nhằm thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Từ đó từng bước phát huy lợi thế, tiềm năng về dược liệu của Việt Nam.
Để phát triển dược liệu đúng hướng, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị, cần rà soát chính sách ở các lĩnh vực: trồng dược liệu, sản xuất sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam, phát triển chuỗi gắn với tổ chức kinh tế cộng đồng, phát triển dược liệu gắn với du lịch cộng đồng, xây dựng vườn cây thuốc công nghệ cao… Đối với các chính sách cơ bản, cần xem xét đưa vào dự thảo Luật các chính sách ưu đãi về vay vốn, về thuế; cần có quy định về đăng ký sản phẩm cần theo hướng đơn giản hóa thủ tục phù hợp với từng sản phẩm; tăng cường đầu tư công vào lĩnh vực này…
Đề xuất một số chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành và quan tâm đến các vấn đề về quy chế quản lý giống cây dược liệu; hướng dẫn kỹ thuật; mức hỗ trợ đối với các chương trình, dự án trồng cây dược liệu sử dụng kinh phí nhà nước; việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển các nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu để các địa phương có kế hoạch triển khai phù hợp.
Hiện nay việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, chưa có nhiều vùng phát triển theo chuỗi giá trị, nhiều loại dược liệu được trồng theo quy hoạch nhưng khi thu hoạch lại không có thị trường đầu ra. Do vậy, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét có quy định về chính sách ưu đãi cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện sản xuất theo liên kết chuỗi gắn với các vùng nguyên liệu dược.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái bày tỏ đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội về việc “cần thể hiện được tính đột phá, đủ mạnh, đồng bộ, khả thi về đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu Việt Nam” và đề nghị, cần nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia, để hỗ trợ, đầu tư từ nghiên cứu khoa học, giống, kỹ thuật, vùng nguyên liệu đến thị trường có trọng tâm, trọng điểm.