BHXH đã phát hiện nhiều trường hợp kê thuốc tràn lan, buộc cơ quan này phải giám định lại, thậm chí tạm dừng thanh toán. Một số loại thuốc đã bị rút khỏi mục thanh toán BHXH hoặc buộc phải tuân thủ quy trình khám chữa bệnh nhất định.
Cơ quan này đưa ra ví dụ là, thuốc điều trị loãng xương với hoạt chất Alendronat natri + Cholecalciferol (trong đó có thuốc Aronatboston plus), được chỉ định khi bệnh viện đã làm cận lâm sàng chụp X-quang cho bệnh nhân và BHYT chỉ thanh toán thuốc này dạng uống khi điều trị tại Khoa cơ xương khớp ở bệnh viện hạng 1 trở lên. Thế nhưng, có những bệnh viện tuyến quận, huyện không làm X-quang, không có Khoa cơ xương khớp nhưng vẫn chỉ định cho bệnh nhân dùng! Một ví dụ khác đó là thuốc nhỏ mắt Gatifloxacin. Loại thuốc này bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thu hồi vì chứa hoạt chất thuộc danh mục nguyên liệu và thành phẩm cấm nhập khẩu để dùng cho người. Tại Việt Nam, thuốc nhỏ mắt có tên thương mại là Zymar với hoạt chất Gatifloxacin hàm lượng 3mg/ml. Điều đáng nói, trong một thời gian dài, các cơ sở y tế vẫn chỉ định dùng nhỏ mắt cho người bệnh.
Nguyên nhân khiến tình trạng sử dụng thuốc được thanh toán bằng bảo hiểm bừa bãi được nhiều chuyên gia chỉ ra là, thuốc đã… trúng thầu ở một số bệnh viện. Việc kê đơn “vô tội vạ” có mục đích cuối cùng là trục lợi bảo hiểm.
Dù lý do nào thì rõ ràng đây là hành vi không thể chấp nhận được. Nó không dừng lại ở việc lạm dụng về mặt lợi ích vật chất. Việc trục lợi bảo hiểm còn cho thấy đạo đức của một số “mẹ hiền” đang xuống cấp nghiêm trọng. Điều này không chỉ làm niềm tin của nhân dân bị giảm sút mà còn có thể gây những hậu quả khôn lường cho người bệnh.
Chưa có thống kê cụ thể nào về việc người dân gánh chịu hậu quả sau những lần bị chính người điều trị sức khỏe cho mình kê đơn thuốc bừa bãi để trục lợi. Có thể, việc thống kê sẽ khó khăn, bởi những người bệnh khi có vấn đề về sức khỏe thì có thể tin tưởng ai hơn các bác sĩ?
Hành vi trục lợi từ người bệnh bằng việc kê đơn thuốc có lẽ cần được công bố rõ ràng hơn, cụ thể hơn về từng trường hợp bệnh nhân, từng bác sĩ, từng bệnh viện. Từ sự rõ ràng này có thể mới thấy được hết tác động tiêu cực từ việc làm thiếu đạo đức và thiếu tôn trọng luật pháp của một số nhân viên y tế thoái hóa, biến chất.
BHYT là một chính sách nhân văn. Nhờ chính sách này, nhiều người bệnh đã tiếp cận được với các dịch vụ y tế tốt hơn, phải chi trả ít hơn. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm là “cứu cánh” cho nhiều người bệnh nghèo. Việc lạm dụng tính nhân văn của các chính sách để trục lợi cá nhân là hành vi cần hoàn toàn loại bỏ khỏi một xã hội hiện đại.
Ngành BHXH đã từng có nhiều cảnh báo về vấn đề này. BHXH và cả các cơ quan quản lý về y tế cũng đã tìm nhiều biện pháp khắc phục lỗ hổng trong các quy định về danh mục thuốc chi trả theo BHYT nhưng tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy, “tòa án lương tâm” của những người lạm dụng chính sách này không hề được thức tỉnh. Các chính sách nhân văn của một đất nước luôn là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc lợi dụng các chính sách đó thì có lẽ lại cần những “bàn tay sắt” theo nghĩa đen!